Xây dựng cầu dân sinh ở Chi Lăng: Khi nhân dân đồng lòng
LSO- Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện”, những năm gần đây, huyện Chi Lăng đã xóa được nhiều cầu tạm, cầu dân sinh mất an toàn, giúp người dân của huyện thuận tiện trong đi lại, giao thương hàng hóa.
Cây cầu dân sinh nối liền thôn Nà Lốc, xã Mai Sao với quốc lộ 1A cũ vừa được hoàn thành đầu năm 2018 trong niềm phấn khởi của 12 hộ dân nơi đây. Ngay khi cầu đưa vào sử dụng thì con đường bê tông nội thôn cũng được hoàn thành, từ đây, nhiều công trình như: nhà ở, bếp, tường rào… của các hộ dân trong thôn cũng được xây dựng. Theo người dân trong thôn, có cầu, chở nông sản ra chợ dễ dàng, việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào thôn cũng thuận tiện nên các hộ chủ động xây dựng, kiên cố nhà ở. Chị Lăng Thị Hương, thôn Nà Lốc, xã Mai Sao chia sẻ: “Nhớ lại chiếc cầu tre tròng trành của thôn trước đây mà tôi bị ám ảnh bởi có thể bị rơi xuống sông bất cứ lúc nào khi đi qua. Có gánh na, con lợn mang đi bán cũng rất vất vả mới qua được cầu. Nay có cầu bê tông kiên cố này, cả thôn mừng lắm vì qua sông không lo ngã, sản phẩm làm ra cũng mang ra tận chợ bán, không còn bị ép giá”.
Cầu thôn Nà Lốc hoàn thành đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại thuận tiện
Chi Lăng là địa bàn có nhiều sông, suối, ở những khu vực này, để đi lại, bà con phải dựng cầu tạm bằng những cây tre ghép lại với nhau. Ngày thường đi lại đã khó, khi mưa lũ, mỗi thôn lại bị chia cắt, người dân không thể đi lại, đặc biệt trẻ em không thể đến trường. Trong khi đó, những người dân lại thường sinh sống tại khu vực gần ruộng nương, thành từng thôn, xóm với số hộ chỉ từ 30 – 60 hộ, do vậy, việc xây dựng cầu tại đây là rất khó khăn do nguồn vốn lớn. Trước tình hình như vậy, để đáp ứng nhu sinh hoạt và sản xuất của người dân, huyện Chi Lăng đã triển khai xây dựng cầu dân sinh với phương án “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện”. Giai đoạn 2008 đến nay, huyện xây dựng được 13 cầu kiên cố thay thế cho cầu tạm mất an toàn. Tổng mức đầu tư mỗi cây cầu khoảng 350 triệu đồng, cầu rộng 3 m, tải trọng 2,5 tấn. Nhà nước hỗ trợ khoảng 150 triệu đồng, nhân dân đóng góp 50 – 200 triệu đồng/cầu.
Đặc biệt, trong đó, từ năm 2016, UBND huyện đề nghị Sở Giao thông – Vận tải hỗ trợ dầm thép thu hồi từ những cây cầu cũ, vẫn còn sử dụng được để tận dụng xây dựng cầu dân sinh, giúp giảm một phần chi phí. Qua khảo sát thực tế, UBND huyện quyết định triển khai xây dựng mới cầu dân sinh tại các xã: Nhân Lý, Bắc Thủy, Mai Sao, Chiến Thắng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ dầm thép, xi măng và kinh phí 100 triệu đồng/cầu, các xã huy động ngày công và kinh phí đối ứng để xây dựng. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ của người dân, huyện Chi Lăng đã xóa được nhiều cầu tạm, cầu mất an toàn.
Ông Linh Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Chi Lăng cho biết: Bước đầu triển khai thực hiện việc xây dựng cầu dân sinh rất khó khăn do những địa bàn cần xây cầu ít dân cư, nếu đóng góp thì mỗi hộ phải đóng góp nhiều nên người dân chưa đồng thuận. Trước tình hình đó, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ và sử dụng có hiệu quả dầm thép do Sở Giao thông – Vận tải hỗ trợ. Với những hộ khó khăn, huyện huy động người dân đóng góp ngày công, ủng hộ hiến đất để triển khai. Sau khi một số cây cầu hoàn thành và đi vào sử dụng, người dân thấy được lợi ích thiết thực nên rất đồng thuận. Có những xã đã chủ động đề xuất với huyện để xây cầu. Khi triển khai, người dân đều nhiệt tình đóng góp sức người, sức của để hoàn thành xây dựng cầu sớm nhất.
Từ nay đến hết năm 2018, huyện Chi Lăng phấn đấu xây dựng thêm 3 cầu dân sinh tại các xã: Bắc Thủy, Chiến Thắng và Lâm Sơn. Qua đó giúp người dân đi lại dễ dàng, trao đổi hàng hóa, dịch vụ thuận tiện, an toàn; góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đồng thời làm thay đổi nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
TRANG VÂN
Ý kiến ()