Xây dựng cầu dân sinh: Hiệu quả từ thực hiện cơ chế Nhà nước và Nhân dân cùng làm
– Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có hệ thống sông suối khá dày. Bên cạnh những lợi ích mà những dòng sông, con suối mang lại thì nó cũng tạo ra sự cách trở trong đi lại, giao thương của người dân. Do đó, nhu cầu xây dựng những cây cầu vượt sông, suối để phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh rất lớn.
Theo thống kê của ngành giao thông vận tải Lạng Sơn, thời điểm năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 700 vị trí tạm tại các thôn, bản vùng sâu, khó khăn cần được cứng hoá để bảo đảm an toàn giao thông. Để cứng hoá các cây cầu này đỏi hỏi nguồn lực rất lớn, tuy nhiên, Lạng Sơn là tỉnh nghèo, vì vậy, trong thời gian ngắn chưa thể cứng hoá hết được.
Trong bối cảnh đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kêu gọi, huy động, lồng ghép mọi nguồn lực để từng bước cứng hoá các cây cầu dân sinh. Trong đó, nổi bật nhất là tỉnh đã vận động thu hút được chương trình dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng kinh phí gần 250 tỷ đồng để xây dựng 79 cầu dân sinh trong giai đoạn 2017 – 2021. Theo đó, cơ cấu nguồn vốn để thực hiện dự án là Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn xây dựng cầu; trung ương và tỉnh đối ứng kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc xây dựng đường dẫn vào cầu và người dân hiến đất để xây dựng các công trình.
Công nhân Công ty Cổ phần Tư vấn xây lắp và Thương mại Hồng Hà (Hà Nội) đan thép chuẩn bị đổ bê tông mặt cầu Văn An-Nhạc Kỳ thuộc dự án LRAMP
Ông Trần Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Hầu hết các công trình cầu LRAMP được triển khai trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa nhưng bằng hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, việc triển khai dự án rất hiệu quả. Vì tỉnh chỉ đối ứng một phần kinh phí, chiếm khoảng 15% tổng chi phí cho xây dựng một công trình cầu để làm đường dẫn và hỗ trợ vật kiến trúc giải phóng mặt bằng là có được công trình cầu cứng cho dân đi lại an toàn. Vì thế, chi phí để xây dựng một công trình cầu dân sinh dự án LRAMP là khá thấp, đảm bảo chất lượng.
Theo thống kê, từ khi cây cầu đầu tiên được khởi công xây dựng vào tháng 10/2017 tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã hoàn thành 69/79 công trình (năm 2020 hoàn thành 40 công trình và năm 2021 hoàn thành 29 công trình); 7 công trình đang triển khai xây dựng và 3 công trình đang thực hiện khâu chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công trong năm 2022. Để xây dựng các công trình, người dân tại 11 huyện, thành phố đã hiến khoảng 2 ha đất mở rộng hạng mục đường dẫn vào cầu, góp phần tiết kiệm chi phí xây dựng hàng chục tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Thường, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2021, thôn được Nhà nước triển khai xây dựng công trình cầu Quán Thanh, đó là niềm vui to lớn đối với người dân trong thôn, bởi người dân đã kiến nghị Nhà nước xây dựng cầu để kết nối giữa quốc lộ 1A cũ qua trung tâm thôn với quốc lộ 1A mới từ năm 2016. Khi xây cầu, gia đình tôi có mảnh đất trồng na với diện tích 250 m2 nằm trong khu vực đường dẫn vào cầu. Sau khi được xã tuyên truyền về cơ chế, chính sách, gia đình đã đồng thuận bàn giao mảnh đất này để Nhà nước làm đường vào cầu và chỉ nhận bồi thường, hỗ trợ cây na trên đất. Giờ đây, có cầu mới khang trang đi lại, gia đình rất vui vì đã góp một phần nguồn lực nhỏ bé để xây dựng công trình.
Không chỉ gia đình ông Thường mà hàng trăm hộ dân khác khi Nhà nước xây dựng cầu đều đồng thuận đóng góp nguồn lực bằng nhiều hình thức khác nhau để có mặt bằng đẩy nhanh xây dựng công trình cầu.
Ông Vi Văn Bản, thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc cho biết: Từ bao đời nay, người dân Xuân Lũng mong mỏi có được cây cầu cứng để con em đi học, người dân sản xuất được nông sản mang đi bán thuận lợi, không bị tư thương ép giá. Vì thế, khi công trình cầu được triển khai, thôn vận động mỗi hộ góp kinh phí 1 triệu đồng để hỗ trợ các hộ trên địa bàn xã Khánh Khê, huyện Văn Quan phải giải phóng mặt bằng xây dựng đường dẫn vào cầu, gia đình tôi cũng như toàn bộ các hộ trong thôn đã ủng hộ ngay.
Đối với những người làm công tác tư vấn quản lý dự án công trình cầu LRAMP tại Ban Quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông Lạng Sơn thì sau mỗi công trình cầu hoàn thành đưa vào khai thác đều đọng lại nhiều cảm xúc sâu đậm.
Ông Vi Văn Hoàng, cán bộ Ban Quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông cho biết: Trong quá trình triển khai, mỗi công trình có những khó khăn riêng, nhưng vì chất lượng công trình, vì sự mong mỏi của bà con được hưởng lợi từ những cây cầu dân sinh, mỗi cán bộ làm công tác quản lý dự án luôn bám sát, đồng hành với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát và chính quyền để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ nhằm đưa công trình về đích đúng hạn, bảo đảm chất lượng.
Một mùa xuân mới lại về, tại những khu vực bị chia cắt bởi những dòng sông, con suối đã và đang từng bước được nối liền, thông suốt bởi những cây cầu kiên cố. Qua đó tạo động lực để người dân ở những khu vực này tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của nông thôn Xứ Lạng.
Bất cứ ai có dịp về vùng nông thôn miền núi của tỉnh Lạng Sơn đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của miền biên viễn này, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đó là những tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hoá êm thuận, đặc biệt là những cây cầu dân sinh kiên cố được xây dựng ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để có được những kết quả đó, tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực kết hợp với sức dân để lo cho dân. |
CÔNG QUÂN
Cầu Văn An – Nhạc Kỳ: Nối đôi bờ mùa xuân
– Mùa xuân năm nay, đối với người dân của 2 xã: Văn An (hiện là xã Điềm He, huyện Văn Quan) và Nhạc Kỳ (huyện Văn Lãng) niềm vui như được nhân đôi khi cây cầu Văn An – Nhạc Kỳ đã hoàn thiện, nối liền cách trở giữa hai bờ sông Kỳ Cùng từ bao đời nay.
Nhiều năm qua, người dân ở 2 xã Điềm He và Nhạc Kỳ phải đi lại qua cầu tạm do người dân tự xây dựng. Không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, mà cứ mỗi khi mùa nước lên là cầu bị ngập, đã khiến các em học sinh không thể đi học, nông sản của người dân không thể tiêu thụ và bị ép giá gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, ngoài việc di chuyển thiếu an toàn, người dân khi đi qua cầu còn phải đóng góp chi phí hằng năm khoảng 300.000 đồng/hộ để phục vụ công tác bảo dưỡng, cải tạo cây cầu cũ. Tuy nhiên, cây cầu đã được tu sửa nhiều lần, những vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong việc đi lại của người dân. Vì vậy, hơn 1.000 hộ dân của 2 xã mong mỏi có cây cầu nối 2 bờ để giúp bà con, học sinh đi lại thuận tiện.
Nhận thấy những khó khăn của bà con Nhân dân trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân 2 xã đã kiến nghị nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu từ nhiều năm. Đáp ứng lòng mong mỏi đó, tháng 1/2021, từ nguồn vốn của Dự án LRAMP (Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương), Nhà nước đã đầu tư xây dựng cây cầu Văn An – Nhạc Kỳ bắc qua sông Kỳ Cùng nhằm cải thiện điều kiện giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cầu có chiều dài 99 m, rộng 4 m, đường dẫn 125 m kết nối giao thông giữa 2 xã: Nhạc Kỳ và Điềm He với tổng kinh phí xây dựng trên 6,7 tỷ đồng.
Sau gần 13 tháng thi công, tháng 1/2022, cây cầu đã được khánh thành và đưa vào sử dụng vào đúng dịp Tết Nguyên đán, Nhân dân 2 xã rất vui mừng.
Ông Lý Quốc Chiều, thôn Lương Thác, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng hồ hởi: Tôi thường xuyên đưa nông sản đến chợ phiên Điềm He để bán, trước đây, chúng tôi phải đi qua cầu tạm, rất nguy hiểm; vào mùa mưa, cầu tạm bị ngập, tôi không thể đi lại, công việc kinh doanh cũng bị dừng lại. Giờ đây, có cầu mới, tôi có thể yên tâm vận chuyển hàng hóa qua Điềm He buôn bán mà không phải lo nước lũ.
Bên cạnh phục vụ người dân giao thương, cây cầu mới đã góp phần phục vụ công tác giáo dục ở nơi đây. Được biết, phần lớn các em học sinh tại xã Nhạc Kỳ đều phải đi đến xã Điềm He để học tập. Tuy nhiên, với cây cầu cũ, vào mùa lũ, hoạt động học tập của các em phải dừng lại do không thể di chuyển qua bờ bên kia sông. Cầu mới Văn An – Nhạc Kỳ đã giải quyết được mối lo trên. Em Năng Hà Nhi, thôn Còn Tẩu, xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng cho biết: Với cây cầu mới này, em rất vui vì không phải nghỉ học vào mùa lũ nữa. Giờ đây, em và các bạn có thể yên tâm khi di chuyển qua cây cầu để đến lớp.
Bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết: Cây câu Văn An – Nhạc Kỳ đã và đang tạo ra những thuận lợi cho xã Điềm He phát triển kinh tế. Trong đó, tạo điều kiện cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, nhất là tiếp thêm động lực để xã đạt chuẩn các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, cây cầu cũng góp phần tạo bứt phá đối với sự phát triển toàn diện của xã trong tương lai.
Có thể thấy, việc 2 xã: Điềm He và Nhạc Kỳ được Nhà nước đầu tư cây cầu đã góp phần nâng cao đời sống dân sinh. Đây cũng là món quà nhân thêm niêm vui cho người dân trong dịp tết đến – xuân về.
NGUYỄN PHÚC
Ý kiến ()