Xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh mía
Xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh mía là một trong những mô hình canh tác hiệu quả vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng, vừa giảm chi phí, ngày công lao động và thuận tiện cho thu hoạch. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng mô hình này còn gặp nhiều khó khăn cần được khắc phục kịp thời.
Thu hoạch mía bằng máy ở cánh đồng lớn chuyên canh mía của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai).
Giúp nông dân làm giàu
Trong những năm qua, Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, nhất là các phương tiện cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, đồng thời triển khai xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh mía. Trưởng phòng Đầu tư nguyên liệu Nhà máy đường An Khê Nguyễn Hoàng Phước cho biết, từ năm 2013, nhà máy đã triển khai mô hình cánh đồng lớn chuyên canh mía. Sau một thời gian triển khai, đến nay nhà máy đã có hơn 2.000 ha thực hiện mô hình cánh đồng lớn, trong đó có cánh đồng rộng hơn 100 ha. Nhà máy có nhiều thuận lợi do vùng mía nguyên liệu lớn và tương đối tập trung; đất đai một số vùng bằng phẳng đủ điều kiện để khoanh vùng xây dựng cánh đồng lớn; các gia đình có kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc mía; đường giao thông nội đồng thuận tiện. Nhiều hộ nông dân nhận thức được tầm quan trọng của việc cơ giới hóa sản xuất để hạ giá thành, tăng thu nhập cho nên đã phối hợp nhà máy thực hiện mô hình này.
Trước đây, vùng mía nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê được trồng theo kiểu truyền thống chỉ đạt bình quân khoảng 70 tấn/ha nếu chăm sóc tốt. Người trồng mía vì vậy khó có thể làm giàu. Nhưng từ khi triển khai xây dựng cánh đồng lớn, năng suất đã đạt 110 tấn/ha, cao hơn 40% so với diện tích sản xuất đại trà; chi phí sản xuất mía cũng giảm hơn 30%. Anh Nguyễn Văn Bình, xã Thành An, thị xã An Khê (Gia Lai) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng mía theo cách truyền thống chỉ đạt năng suất khoảng 65 đến 70 tấn/ha. Nhưng hiện nay với 10 ha trồng ở cánh đồng lớn chuyên canh mía được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch cho sản lượng khoảng 120 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 40 đến 45 triệu đồng/ha”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Quy, xã Kông Bơ La, huyện Kbang (Gia Lai) trước sản xuất mía theo cách truyền thống. Từ khi Nhà máy đường An Khê xây dựng vùng mía nguyên liệu theo cánh đồng lớn hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã vận động gia đình và đăng ký tham gia mô hình. Trải qua ba năm sản xuất, hiệu quả đã rõ, anh Quy chia sẻ: “Niên vụ mía 2015-2016 này, gia đình tôi có 14 ha nằm trong mô hình cánh đồng lớn chuyên canh mía, bình quân thu khoảng hơn 100 tấn/ha. Tôi rất vui vì cánh đồng lớn chuyên canh mía đã thay đổi được tập quán canh tác truyền thống hiệu quả thấp, giảm bớt sức lao động nhờ áp dụng cơ giới hóa, năng suất mía cao, tăng thu nhập cho người trồng mía”.
Cần giải pháp lâu dài
Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Văn Đức cho biết, vụ ép mía 2015-2016 chuẩn bị kết thúc. Diện tích mía cả nước đạt 284.000 ha, trong đó diện tích mía nguyên liệu khoảng 260.000 ha. Diện tích mía có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy đạt khoảng 250.000 ha, trong đó diện tích được các nhà máy ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm là 200.000 ha. Những năm qua, một số địa phương, nhà máy đường đã tập trung hỗ trợ, đầu tư xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh mía, mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với trồng theo kiểu truyền thống. Điển hình như tỉnh Thanh Hóa mới ban hành chính sách hỗ trợ 200 triệu đồng cho chọn tạo giống mía mới; hỗ trợ mua sắm máy thu hoạch và hệ thống tưới cho những cánh đồng tập trung từ 50 ha trở lên. Công ty mía đường Lam Sơn đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm cho cánh đồng mía hơn 200 ha tăng năng suất mía từ 50 tấn lên 80 tấn/ha. Tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết của HĐND xây dựng cánh đồng mẫu 272,24 ha mía với tổng kinh phí 24 tỷ đồng. Tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch xây dựng cánh đồng mía lớn 1.000 ha; năm 2015 đã đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu lớn 50 ha bảo đảm đủ nước tưới và chăm sóc kịp thời, đưa năng suất mía từ 55 tấn lên 90 tấn/ha. Tại tỉnh Tây Ninh, đã có gần 6.000 ha mía được người dân chủ động đầu tư hệ thống tưới (một số nơi có sự hỗ trợ của các công ty đường) nên đã đưa năng suất tăng 150% so với diện tích mía trong cùng khu vực không được tưới bổ sung.
Tuy nhiên, do đầu tư lớn cho tưới mía và giao thông nội đồng, trong khi đó thời gian khấu hao thiết bị thấp dẫn tới hiệu quả chưa như mong muốn, chưa thuyết phục người trồng mía hăng hái tham gia. Thí dụ như đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và các khoản chi khác sẽ tăng thêm khoảng 50 triệu đồng/ha năm đầu tiên cộng với mỗi năm trồng sau đó phải chi thêm khoảng 10 triệu đồng cho các loại vật tư bổ sung, nhưng các loại thiết bị trên chỉ sử dụng được khoảng ba năm. Như vậy khấu hao mỗi năm khoảng hơn 20 triệu đồng. Trong khi năng suất mía tăng thêm khoảng 30 đến 40 tấn/ha (thành tiền khoảng từ 25 triệu đến 35 triệu đồng), sau khi trừ các chi phí, phần lãi còn lại không lớn.
Việc xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh mía cũng khó mở rộng. Nguyên nhân là do ruộng đất manh mún, việc dồn điền đổi thửa gặp khó khăn. Ở nhiều nơi, người dân chưa bỏ được tập quán sản xuất nhỏ lẻ; một số nơi ruộng mía không bằng phẳng, khó thu hoạch bằng máy. Việc tưới cho mía rất khó do hầu hết mía trồng trên đồi bãi không có nguồn nước dồi dào, cần đầu tư thủy lợi lớn…
Để cánh đồng lớn chuyên canh mía thật sự phát huy hiệu quả, các địa phương, công ty mía đường cần đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế. Trước hết, các địa phương cần quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư khuyến khích dồn điền đổi thửa hơn nữa cho xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh mía. Các nhà máy đường chủ động phối hợp địa phương đầu tư hợp lý ở những nơi có điều kiện thuận lợi như nguồn nước, đường điện, giao thông… Đồng thời có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích người dân tham gia xây dựng, mở rộng cánh đồng mẫu lớn; tranh thủ các nguồn vốn, áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()