Xây dựng các mô hình phát triển sản xuất ở thành phố: Còn đó những khó khăn
(LSO) – Từ năm 2015 đến 2019, thành phố Lạng Sơn đã bố trí nguồn ngân sách hơn 6,85 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 28 mô hình phát triển sản xuất cho 3 xã: Mai Pha, Hoàng Đồng và Quảng Lạc. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, số mô hình thực sự phát huy hiệu quả và có thể nhân rộng chưa nhiều.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm được thành phố Lạng Sơn coi trọng trong giai đoạn 2015 – 2020. Để thực hiện chủ trương này, thành phố đã chỉ đạo các xã xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và huy động nguồn kinh phí để hỗ trợ các xã thực hiện các mô hình.
Người dân thôn Trung Cấp, xã Mai Pha thu hoạch rau vụ đông 2019
Theo đó, từ năm 2015 đến năm 2019, 3 xã: Mai Pha, Hoàng Đồng và Quảng Lạc đã triển khai thực hiện được 28 mô hình phát triển sản xuất. Trong đó, xây dựng 9 mô hình chăn nuôi và 19 mô hình trồng trọt và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Xã Quảng Lạc được triển khai nhiều nhất với 16 mô hình. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình phát triển sản xuất là hơn 25,5 tỷ đồng, trong đó, nhà nước hỗ trợ hơn 6,85 tỷ đồng và nhân dân đối ứng hơn 18,69 tỷ đồng.
Về kết quả thực hiện, trong thời gian thực hiện thí điểm, cơ bản các mô hình triển khai thành công, nhưng việc nhân rộng các mô hình sau thời gian thực hiện thí điểm chưa được nhiều. Cụ thể: trên lĩnh vực chăn nuôi, trong năm 2015 và 2016 có 6 mô hình chăn nuôi được thực hiện thí điểm tại 3 xã gồm: 2 mô hình nuôi ong và 4 mô hình nuôi lợn, gà, dê. Kết thúc thời gian thí điểm, tổng kết đánh giá thì cả 6 mô hình đều thành công nhưng chỉ có 2 mô hình nuôi ong là được duy trì phát triển có thương hiệu, 4 mô hình chăn nuôi lợn, gà, dê không được duy trì phát triển. Chính vì vậy, từ năm 2017 – 2019, số mô hình thí điểm về chăn nuôi được triển khai rất ít với 3 mô hình gồm: nâng cao chất lượng đối với 2 mô hình nuôi ong lấy mật (thực hiện năm 2017 và 2018) năm 2019 đang thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản tập trung tại xã Quảng Lạc.
Trên lĩnh vực trồng trọt, trong 19 mô hình sau thời gian triển khai thí điểm, việc duy trì và phát triển mô hình khả quan hơn nhưng vẫn có những mô hình khi nhân rộng gặp nhiều khó khăn. Xã Mai Pha có 5 mô hình được triển khai thí điểm lĩnh vực trồng trọt và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gồm: mô hình trồng nho, rau và dưa hấu an toàn. Trong đó, năm 2015 thực hiện 2 mô hình, 2016 thực hiện 2 mô hình và 2017 thực hiện 1 mô hình. Đến nay, các mô hình đều được duy trì nhưng việc phát triển nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được thực hiện thí điểm tại thôn Nà Chuông, xã Mai Pha với 60 hộ đăng ký và diện tích thực hiện 8 ha, cùng thời điểm, xã Mai Pha đã thành lập Hợp tác xã rau Nà Chuông để thực hiện mô hình.
Ông Hoàng Văn Dong, Giám đốc Hợp tác xã rau Nà Chuông cho biết: Khi mới triển khai, bà con phấn khởi vì khi thực hiện mô hình được nhà nước hỗ trợ kinh phí một phần và quan trọng hơn là mở ra cho bà con nông dân phương thức làm ăn mới, bài bản và hiệu quả hơn. Nhưng từ năm 2018 trở lại đây, diện tích thực hiện để duy trì mô hình giảm đáng kể, hiện chỉ còn khoảng 5 ha với 40 hộ gia đình duy trì. Ông Dong cho biết thêm: Sau 4 năm duy trì hợp tác xã nhưng các thành viên trong hợp tác xã vẫn chưa hình thành được mô hình sản xuất lớn tập trung và cách sản xuất rau vẫn theo phương thức thủ công. Không những thế, giá thành sản xuất rau an toàn bán ra tại thị trường cũng chỉ ngang với giá rau được sản xuất theo phương thức truyền thống.
Ông Phạm Công Cường, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố có lợi thế về sản xuất nông nghiệp nhưng quá trình đô thị hóa rất nhanh khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại các xã ngày càng giảm. Chính vì vậy, việc tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh gặp nhiều khó khăn, từ năm 2017 đến nay, xã Mai Pha không đăng ký thực hiện mô hình phát triển sản xuất. Ngay tại xã Quảng Lạc có diện tích đất tự nhiên rộng, tốc độ đô thị hóa chậm hơn các xã khác nhưng đất đai để trồng trọt không nhiều và manh mún.
Trước những khó khăn thách thức nêu trên, thành phố đã đề ra một số giải pháp phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp của mình. Đó là tiếp tục quy hoạch lại vùng sản xuất các loại rau vụ đông, vùng trồng cây hoa đào và cây hạt dẻ phù hợp với điều kiện đất đai. Bên cạnh đó, thành phố tập trung xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ cho sản phẩm rau, hoa đào và hạt dẻ. Mặt khác, đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giữa người dân với người dân, giữa các hợp tác xã sản xuất và các doanh nghiệp để thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm.
Ông Phạm Đức Huân, Chủ tịch HĐND thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong thời gian tới, HĐND thành phố sẽ tăng cường giám sát tình hình thực hiện hỗ trợ và phát triển các mô hình phát triển sản xuất, đặc biệt là chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm. Qua đó, nắm bắt tình hình thực hiện và tăng cường vai trò của các cơ quan, đơn vị trong việc phát triển các mô hình sản xuất. Từ đó, góp phần giúp người dân thay đổi tư duy tăng cường liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Ý kiến ()