Xây dựng Bộ Tài chính điện tử
Ngày 24/5, Bộ Tài chính tổ chức trực tuyến hội nghị tin học thống kê ngành tài chính lần thứ 5 với mục tiêu xây dựng Bộ Tài chính điện tử đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện Chính phủ điện tử.
Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Đặng Đức Mai cho biết đến nay toàn bộ các thủ tục hành chính công, các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp tập trung, thống nhất trên chuyên trang “Bộ thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến” trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính.
Đến hết năm 2016, tổng số thủ tục hành chính tại Bộ đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 910, trong đó có 104 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 239 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Ngành đã tập trung phát triển các ứng dụng phục vụ các nghiệp vụ cốt lõi, tập trung có quy mô toàn quốc, trong đó phải kể đến các hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung, hệ thống kê khai thuế điện tử được triển khai tại toàn bộ các cục thuế và chi cục thuế trên toàn quốc.
Đến cuối năm 2016 đã có 99,64% DN sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 93,69% DN hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng…
Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc đã được áp dụng ổn định, khối lượng thu ngân sách Nhà nước trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước đã giảm từ 92% tổng số chứng từ năm 2013 xuống còn 20% tổng số chứng từ năm 2016; khối lượng tiền mặt nộp tại Kho bạc Nhà nước cũng giảm từ 78% tổng số tiền năm 2013 xuống còn 33% tổng số tiền năm 2016.
Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), hệ thống hải quan điện tử đã được triển khai tại 100% các đơn vị hải quan với 100% các quy trình thủ tục hải quan đã được tự động hóa; hơn 99,65% DN tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Việc triển khai VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong xử lý các công việc nội bộ. Đặc biệt, Bộ đã triển khai chương trình quản lý văn bản và điều hành eDocTC liên thông với hệ thống điều hành văn bản của Văn phòng Chính phủ, nâng cấp, bổ sung, mở rộng các hạ tầng kỹ thuật đã thiết lập từ giai đoạn trước, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng nghiệp vụ theo mô hình tập trung, có quy mô toàn quốc.
Phát triển CNTT và Chính phủ điện tử được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Gần đây nhất, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đó từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng CNTT, khuyến khích DN đổi mới công nghệ để tận dụng tối đa lợi thế.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, dù đạt được kết quả bước đầu, nhưng trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, xây dựng hệ thống CNTT đồng bộ giữa cơ quan tài chính các cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và DN, công khai, minh bạch hoạt động trên môi trường mạng phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ.
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị, trong giai đoạn tới, với yêu cầu yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh, việc triển khai ứng dụng CNTT không chỉ bó hẹp trong phạm vi một hệ thống, một ngành, mà phải đồng bộ, phục vụ những nhiệm vụ chung của Chính phủ, các bộ, ngành khác, phục vụ người dân và DN. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thành kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Cần triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan.
Trong giai đoạn tới, các đơn vị cần tập trung xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính theo mục tiêu đến năm 2020 cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính sẽ thực hiện vai trò quan trọng như một trung tâm điều hành thông minh, biến dữ liệu về các hoạt động nghiệp vụ của ngành tài chính thành thông tin cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng và chính xác, phục vụ công tác quản lý, điều hành, kết nối chia sẻ thông tin với các cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, UBND các cấp và nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành tài chính.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT, công khai minh bạch, tích hợp dữ liệu tạo thuận lợi cho người dân và DN trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, dự trữ…
Lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý về an ninh, an toàn thông tin, hệ thống CNTT phải bảo đảm tính sẵn sàng, ổn định cao, thông tin dữ liệu phải được bảo mật, an toàn.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()