Xây chợ bỏ hoang, lãng phí tiền tỷ
Người dân xã Trường Xuân, huyện Đác Song bức xúc vì chợ bỏ hoang trong khi người dân không có chỗ để buôn bán. Trong quá trình đầu tư xây dựng chợ nông thôn, tỉnh Đác Nông chưa quan tâm đúng mức công tác quy hoạch, quản lý, quyền dân chủ của nhân dân chưa được phát huy nên đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có tới chín chợ nông thôn được đầu tư xây dựng xong rồi... bỏ hoang, gây lãng phí hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân.Chín chợ trên địa bàn tỉnh bị bỏ hoang trong nhiều năm qua, có những chợ được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí lớn như chợ xã vùng sâu Đác Ru, huyện Đác R’lấp, được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2010, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn năm tỷ 662 triệu đồng, nhưng bị bỏ hoang từ đó đến nay. Hay như chợ xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có diện tích xây dựng 135,6 m2, được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2011 với tổng vốn đầu tư một tỷ 369 triệu...
![]() Người dân xã Trường Xuân, huyện Đác Song bức xúc vì chợ bỏ hoang trong khi người dân không có chỗ để buôn bán. |
Chín chợ trên địa bàn tỉnh bị bỏ hoang trong nhiều năm qua, có những chợ được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí lớn như chợ xã vùng sâu Đác Ru, huyện Đác R’lấp, được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2010, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn năm tỷ 662 triệu đồng, nhưng bị bỏ hoang từ đó đến nay. Hay như chợ xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, có diện tích xây dựng 135,6 m2, được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2011 với tổng vốn đầu tư một tỷ 369 triệu đồng cũng bị bỏ hoang từ đó đến nay. Tương tự, các chợ xã Trường Xuân, huyện Đác Song, được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2010 với kinh phí gần một tỷ đồng; chợ xã Cư K’nia, huyện Cư Giút được xây dựng hoàn thành năm 2007 với tổng kinh phí đầu tư hơn 850 triệu đồng; chợ liên xã Đác Môn-Đác Hòa, huyện Đác Song, được xây dựng hoàn thành vào năm 2008 với tổng kinh phí hơn 340 triệu đồng… Tất cả các chợ này sau khi xây dựng xong đều bị bỏ hoang cho đến nay, gây lãng phí lớn và gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Sở Công thương tỉnh Đác Nông, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các chợ nông thôn sau khi được xây dựng xong không phát huy hiệu quả, bị bỏ hoang là khi có vốn đầu tư xây dựng chợ, huyện nào cũng tranh thủ đầu tư xây dựng để giải ngân hết nguồn vốn mà không tính toán kỹ nhu cầu thực tế, không tham khảo lấy ý kiến của người dân, những người được hưởng lợi trực tiếp trong việc đầu tư xây dựng chợ nên chợ xây xong không thu hút được người dân vào kinh doanh, buôn bán. Bên cạnh đó, một số xã vùng sâu như xã Quảng Trực, xã Đác Ru, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô; xã Trường Xuân, huyện Đác Song; xã Cư K’Nia, huyện Cư Giút… là những xã được thành lập hàng chục năm nay nhưng chưa có chợ. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng chợ là hết sức cần thiết. Song, do quỹ đất ở khu vực trung tâm xã đã hết, nên các huyện đã chọn địa điểm xây dựng chợ không thuận lợi, xa khu dân cư để giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, chính vì thế, khi các chợ được xây dựng xong không thu hút người dân vào kinh doanh. Mặt khác, một số huyện khi triển khai xây dựng chợ chủ yếu là để giải ngân nguồn vốn, không tính đến hiệu quả sử dụng của chợ sau này… Do đó, hầu hết các chợ này đều được đầu tư xây dựng không đồng bộ, chợ thì có nước nhưng không có điện, nhà vệ sinh; chợ thì có điện nhưng không có nước, sân nền, phương tiện phòng cháy, chữa cháy… Thậm chí có địa phương, những cán bộ chủ chốt của xã sau khi nắm bắt được chủ trương xây dựng chợ đã đầu tư mua trước những lô đất mặt tiền ở khu vực quy hoạch chợ, khi chợ xây xong bị che khuất, không thuận lợi trong việc kinh doanh, buôn bán nên người dân không chịu vào mà vẫn ngày đêm bám đường, chợ cóc để kinh doanh, buôn bán, còn chợ xây “hoành tráng” thì… bỏ hoang.
Điều đáng nói là mặc dù tình trạng các chợ được xây dựng xong rồi… bỏ hoang đã diễn ra nhiều năm nay và báo chí cũng đã nhiều lần lên tiếng như chợ liên xã Đác Môn-Đác Hòa, chợ liên xã Nam Bình, Thuận Hạnh, chợ xã Trường Xuân, huyện Đác Song; chợ xã Cư K’nia, huyện Cư Giút; chợ xã Đác Ru, huyện Đác R’lấp; chợ xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức… Nhưng các ngành chức năng của tỉnh cũng như chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp khắc phục hậu quả nhằm đưa các chợ này vào sử dụng, khai thác, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán của nhân dân. Đến nay, các chợ này vẫn bị bỏ hoang, không ai quản lý, trông coi nên ngày càng hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí lớn và gây bức xúc trong nhân dân. Đáng chú ý, đến nay vẫn chưa thấy sở, ngành, địa phương hay cán bộ nào chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Trong những tháng cuối năm nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, sắm sửa chuẩn bị đón Tết Quý Tỵ của nhân dân tăng cao, buộc người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn cách nào khác là phải lặn lội vượt hàng chục cây số đường giao thông khúc khuỷu, gập ghềnh để ra chợ huyện, thậm chí là lên chợ tỉnh mua hàng hóa chở về, vừa vất vả, vừa tốn kém. Câu hỏi đặt ra là vậy bao giờ các chợ này mới được các ban, ngành liên quan của tỉnh Đác Nông và chính quyền các địa phương trong tỉnh khắc phục hậu quả, sửa chữa, đưa vào sử dụng nhằm tránh sự lãng phí ngân sách đầu tư của Nhà nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu kinh doanh, mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân?
Theo Nhandan

Ý kiến ()