'Xanh hóa' sản xuất ngành xây dựng để giảm phát thải khí nhà kính
Chuyên gia dự báo phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2030 là 125 triệu tấn CO2 tương đương và lên đến 148 triệu tấn CO2 tương đương vào 2050, gấp 2,3 lần so với năm 2015.
Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), có 2 nhóm đối tượng phát sinh lượng khí nhà kính lớn nhất trong ngành xây dựng là sản xuất vật liệu xây dựng (phát thải trực tiếp và gián tiếp) và vận hành tòa nhà (chủ yếu là phát thải gián tiếp).
Hiện phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng dự báo vẫn tiếp tục gia tăng.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên, trong đó phát thải khí nhà kính của sản xuất vật liệu xây dựng năm 2015 là 63 triệu tấn CO2 tương đương và vào năm 2020 đã tăng lên 87 triệu tấn CO2 tương đương.
Căn cứ vào số liệu năm 2016 theo hệ thống kiểm kê quốc gia, các chuyên gia dự báo phát thải khí nhà kính từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2030 là 125 triệu tấn CO2 tương đương và lên đến 148 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050, gấp 2,3 lần so với năm 2015. Như vậy, con số này vẫn gia tăng đáng kể.
Đáng chú ý, sản xuất ximăng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 70% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng năm 2015. Tỷ trọng này tăng lên 75% năm 2020. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm vôi và ximăng là cao nhất.
Cùng đó, ngành công nghiệp thép cũng là ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn và ngày càng tăng, chiếm xấp xỉ 5,2% tổng tiêu thụ năng lượng của ngành công nghiệp, với tổng phát thải khí nhà kính là 12,7 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2016.
Hiện nay, ở Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất ximăng và 91 cơ sở sản xuất thép đã được ghi nhận phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh sách các doanh nghiệp sẽ được cập nhật 2 năm/lần.
Mặc dù vậy, ngành ximăng và sản xuất thép là những lĩnh vực được ưu tiên tham gia hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS). Do đó, đây cũng chính là 2 ngành quan trọng cần thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Liên quan đến vấn đề này, Tham tán Đại sứ về Biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark George nhận xét thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế; trong đó có việc giảm phát thải khí nhà kính nói chung và ngành công nghiệp ximăng, thép nói riêng. Nhất là việc Việt Nam có kế hoạch điều tiết thị trường carbon trong nước vào năm 2025 là một bước quan trọng vì điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm phát thải carbon hiệu quả và tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.
Theo ông Mark George, điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang những thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ bằng cách giúp các sản phẩm của Việt Nam tránh được thuế nhập khẩu dựa trên khí thải. Nằm trong top đầu các quốc gia xuất khẩu ximăng và sắt thép, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc “xanh hóa” sản xuất trong những ngành đặc thù này.
Ông Christoph Prommersberger, Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, cho rằng lĩnh vực xây dựng chiếm khoảng 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu từ quá trình đốt cháy nhiên liệu và 25% lượng khí thải nhà kính toàn cầu; trong đó, sản xuất ximăng là một trong những ngành công nghiệp phát thải cao nhất, chiếm 7% lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Để đạt mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ yêu cầu quá trình khử cacbon nhanh chóng của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng… Tham gia vào giao dịch carbon là một công cụ quan trọng để huy động vốn và từ đó đạt được các mục tiêu giảm nhẹ. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều việc phải làm cho đến khi thực hiện đầy đủ cách tiếp cận dựa trên thị trường quốc tế cho phép các nước tham gia, ông Christoph Prommersberger nhận xét.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ximăng Việt Nam Lương Đức Long khẳng định hiện nay, 100% các nhà máy sản xuất ximăng phải báo cáo số liệu hoạt động và thông tin liên quan để phục vụ kiểm kê khí nhà kính hàng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Áp lực giảm phát thải khí nhà kính tất yếu sẽ đặt ra những thách thức cho ngành trong thời gian tới.
Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, các dây chuyền công nghệ sản xuất đã đầu tư hay đầu tư mới đều phải giảm phát thải xuống từ 650kg CO2/tấn ximăng trở xuống vào năm 2030.
Nếu vậy, để đạt mục tiêu này, đến hết năm 2025, thì 100% các dây chuyền sản xuất ximăng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải; sử dụng tối thiểu 20% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất ximăng và tăng lên 30% vào năm 2030.
Việc sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clinker ximăng. “Xanh hóa” trong sản xuất để giảm phát thải khí nhà kính từ nhóm ngành vật liệu xây dựng đang trở thành yêu cầu cấp bách./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()