Xăng dầu tăng giá, nghề cá thêm khó khăn
Đầu tháng tư trong bối cảnh giá xăng dầu tăng, tại Cảng cá Lạch Hới thuộc phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá tàu thuyền vẫn ra khơi, dù chi phí cho mỗi chuyến bám biển tăng cao theo mặt bằng giá mới.Anh Trần Quang Phùng, phố Vạn Lại, phường Quảng Tiến tư lự: “Năm nay giá dầu tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Với đôi tàu công suất gần 900CV, mỗi chuyến bám biển hơn một tháng chi phí tiền dầu từ 50 triệu, giờ tăng lên 70-75 triệu đồng. Thêm nữa giá vật tư nghề cá, đồ ăn, nước uống, ngày công lao động cũng tăng theo”. Năm ngoái đôi tàu đạt doanh thu 2 tỷ, thực lãi một tỷ, bảo đảm thu nhập cho 15 lao động mức 3 triệu đồng/người/tháng. Năm nay đôi tàu của gia đình anh phải đạt doanh thu 3 tỷ mới có được số dư bằng năm cũ. Thế nhưng, nghề đánh bắt hải sản giống bữa thua, bữa được. Nói lỗ thì có người hoài nghi nhưng gặp cữ “biển trắng, nước trong” thì thuyền to, càng gặp “sóng lớn”.Anh định vay vốn đầu tư thêm...
Anh Trần Quang Phùng, phố Vạn Lại, phường Quảng Tiến tư lự: “Năm nay giá dầu tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Với đôi tàu công suất gần 900CV, mỗi chuyến bám biển hơn một tháng chi phí tiền dầu từ 50 triệu, giờ tăng lên 70-75 triệu đồng. Thêm nữa giá vật tư nghề cá, đồ ăn, nước uống, ngày công lao động cũng tăng theo”. Năm ngoái đôi tàu đạt doanh thu 2 tỷ, thực lãi một tỷ, bảo đảm thu nhập cho 15 lao động mức 3 triệu đồng/người/tháng. Năm nay đôi tàu của gia đình anh phải đạt doanh thu 3 tỷ mới có được số dư bằng năm cũ. Thế nhưng, nghề đánh bắt hải sản giống bữa thua, bữa được. Nói lỗ thì có người hoài nghi nhưng gặp cữ “biển trắng, nước trong” thì thuyền to, càng gặp “sóng lớn”.
Anh định vay vốn đầu tư thêm nghề giã, thực hiện đa nghề trên một phương tiện với kỳ vọng bảo đảm thu nhập, việc làm cho người lao động.
Theo ông Trần Ngọc Ất, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến : Những năm gần đây số phương tiện đánh bắt hải sản trong phường có chiều hướng giảm. Năm 2007, Quảng Tiến có 252 tàu đánh bắt hải sản, giờ chỉ còn 191 phương tiện, trong đó có 32 tàu làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển. Năm 2010, sản lượng đánh bắt hải sản đạt 10 nghìn 400 tấn và quý I-2011, ước đạt 2.000 tấn, trong đó có đôi tàu đánh được mẻ cá lụ, bán được 2,5 tỷ đồng.
Dẫu vậy nghề cá nhiều thăng, trầm, giá xăng dầu luôn “leo thang” nên thu nhập bình quân của mỗi lao động chỉ đạt khoảng 17 triệu đồng/năm. Thêm nữa khâu tiêu thụ thả nổi cho tư thương nên nghịch lý là người làm ra con cá chỉ đủ ăn, lợi nhuận rơi vào khâu dịch vụ, thu mua, chế biến hải sản.
Ghé chợ Cột Đỏ, cách cảng Hới chỉ 5km chúng tôi được biết, người tiêu dùng mua cá trích giá 17.000 đồng đến 20.000 đồng/kg nhưng giá cùng loại cá này tại cảng Hới dao động từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg. Ngư dân mong muốn nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xăng dầu cho phương tiện nghề cá, điều chỉnh hài hòa quan hệ lợi ích để ngư dân yên tâm gắn bó với nghề khai thác, đánh bắt thủy sản.
Về xã Ngư Lộc, nơi có 360 phương tiện đánh bắt, khai thác hải sản ông Đào Văn Hải phàn nàn: Mỗi kênh biển (bám biển 25 ngày), tàu của gia đình ông tiêu tốn 40 triệu đồng tiền dầu, giờ chi phí tăng thêm trên chục triệu đồng. Buồn nỗi nghề câu từ sau tết đến giờ, xuất bến chuyến nào lỗ chuyến ấy. Hai tháng qua tàu của ông nằm bờ, tám lao động chuyển sang làm việc cho các chủ thuyền khác. Ông cũng chuyển hướng sang làm nghề giã, đánh bắt ven bờ.
Anh Nguyễn Văn Sáng, chuyên viên phụ trách thủy sản thông tin thêm : Giai đoạn năm 2003 đến 2005, đánh dấu bước phát triển tích cực của nghề khai thác thủy sản ở Thanh Hóa cả về số lượng tàu thuyền, công suất, quy mô nghề. Toàn tỉnh phát triển 100 phương tiện đánh bắt hải sản bằng lưới rê hỗn hợp, lưới rê sát đáy hiệu quả cao. Tiếp đó, ngành chủ quản định hướng cho ngư dân đầu tư nâng cấp, sắm mới phương tiện, ngư lưới cụ vươn khơi, bám biển dài ngày đồng thời trợ giúp ngư dân hoàn thiện thủ tục, thành lập được 129 tổ, nhóm đánh bắt hải sản trên biển, thu hút 935 phương tiện cùng ngư dân tham gia. Không chỉ tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất, các phương tiện, tổ, nhóm nêu trên còn trợ giúp nhau trong cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, làm chủ lãnh hải.
Phó giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, Lê Anh Dũng cho biết : Thanh Hoá có 102 km bờ biển, ngư trường rộng hơn 1,7 vạn km2 với nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng. Theo điều tra, vùng biển Thanh Hóa đã bắt gặp 71 họ, 118 giống, 190 loài hải sản, trữ lượng 140 đến 165 nghìn tấn/năm, chiếm 2 đến 3% trữ lượng nguồn lợi hải sản toàn quốc. Toàn tỉnh hiện có hơn 8000 phương tiện nhưng có tới 30% phương tiện hạch toán lỗ do giá dầu tăng, hiệu quả đánh bắt không cao. Giải pháp ngư dân đang thực hiện là khi nào nhận được thông tin dự báo thời tiết, nguồn lợi ngư trường khả quan thì cho một tàu ra đánh bắt thử, nếu trúng luồng cá, hiệu quả cao thì huy động các phương tiện khác cùng tham giá đánh bắt. Giá dầu tăng ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập của 28.500 lao động trên biển với khoảng 100 nghìn lao động, nhân khẩu ăn theo. Mùa này ngư dân cùng phương tiện vẫn vươn khơi, bám biển mưu sinh. Dẫu vậy, cần lồng ghép các chương trình, nhất là hướng chương trình viễn thông công ích vào mục tiêu hỗ trợ trang thiết bị thông tin liên lạc, nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, nguồn lợi. Mặt khác nhà nước nên tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xăng dầu, điều chỉnh định xuất hỗ trợ tương thích với công suất, mức đầu tư của các phương tiện ; hỗ trợ đóng mới tàu thuyền, mua bảo hiểm thân tàu, thuyền viên và không nên áp dụng thu phí đường bộ qua giá xăng dầu đối phương tiện nghề cá.
Theo Nhandan
Ý kiến ()