Xâm nhập mặn vẫn diễn ra gay gắt
Hiện nay tình hình nước mặn xâm nhập vào đất sản xuất ở tỉnh Cà Mau đã đến mức cực kỳ nguy hiểm, với hơn 30 nghìn ha. Xâm nhập mặn từ biển vào sâu trong đất liền từ hai đến ba km, thậm chí có nơi nước biển tràn sâu vào trong đất liền hơn năm km.
Hiện nay tình hình nước mặn xâm nhập vào đất sản xuất ở tỉnh Cà Mau đã đến mức cực kỳ nguy hiểm, với hơn 30 nghìn ha. Xâm nhập mặn từ biển vào sâu trong đất liền từ hai đến ba km, thậm chí có nơi nước biển tràn sâu vào trong đất liền hơn năm km. Tỉnh đã triển khai nhanh đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp đê biển với tổng kinh phí lên tới 2.500 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng vùng nào trồng lúa không hiệu quả sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản, vùng nào nuôi trồng thủy sản cho năng suất thấp sẽ chuyển sang sản xuất cây con khác…
* Nắng nóng bất thường trên diện rộng tại Bạc Liêu đã làm gần 10 nghìn ha nuôi tôm bị thiệt hại; trong đó, hơn 6.000 ha bị thiệt hại hơn 70%. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra tình hình tôm chết để tìm hiểu nguyên nhân và bàn các giải pháp khắc phục. Đồng thời triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời trong việc xử lý đáy ao; không dùng thuốc có nguồn gốc bảo vệ thực vật trong xử lý nước.
* Cơn mưa lớn đầu mùa kéo dài hơn một giờ đồng hồ chiều 9-5 trên tỉnh Hậu Giang đã góp phần giải mặn nhiều nơi. Được biết, nếu mặn xâm nhập vào nội đồng tỉnh tiếp tục đến cuối tháng 5 thì sẽ có thêm gần 3.000 ha lúa hè thu bị thiệt hại hoàn toàn, khoảng 6.000 ha lúa hè thu không xuống giống được và khả năng không sản xuất lúa vụ 3 tại nhiều địa phương. Nếu mặn kéo dài đến tháng 6, nguy cơ nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh sẽ mất vụ sản xuất, các làng nghề đan đát lục bình phải nghỉ hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu, khả năng thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.
* Tỉnh Quảng Bình đã có những chính sách kịp thời để hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân trước ảnh hưởng của hiện tượng cá chết hàng loạt, chưa xác định được nguyên nhân. Tỉnh tạm ứng 500 tấn gạo từ nguồn dự trữ gạo quốc gia để hỗ trợ bước đầu cho ngư dân. Đồng thời tạm ứng hơn 2,6 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ cho ngư dân có tàu khai thác gần bờ với mức một triệu đồng/tàu.
* Ngày 9-5, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và đoàn công tác đến kiểm tra tại Cảng cá sông Gianh, thăm và động viên ngư dân xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện nay Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học đang nỗ lực trong việc tìm ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng cá biển chết hàng loạt để đưa ra kết luận chính xác, từ đó trả lời cho mọi người dân được biết.
Tại thời điểm này, vẫn còn nhiều người dân ngại sử dụng cá biển đánh bắt xa bờ dẫn tới giá cả thu mua hải sản bị sụt giảm đáng kể. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các địa phương công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người có thể hiểu rõ hơn về những loại hải sản chỉ sống ở vùng xa bờ, từ đó an tâm hơn khi sử dụng. Đồng thời, khẳng định người dân yên tâm sử dụng cá biển đánh bắt vùng khơi xa khi đã có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Dịp này, Bộ trưởng Cao Đức Phát tặng 10 suất quà cho 10 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thanh Trạch.
Thành lập Đoàn công tác tìm hiểu nguyên nhân cá chết trên sông Bưởi
Ngày 9-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho biết: Sau khi nhận được báo cáo của Sở TN và MT tỉnh Thanh Hóa về hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) từ ngày 4 đến 7-5, Bộ trưởng TN và MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường thành lập Đoàn công tác do Cục Kiểm soát ô nhiễm chủ trì, làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị liên quan để tìm hiểu nguyên nhân, nắm bắt tình hình thực tế và đề xuất các giải pháp xử lý. Đoàn công tác có nhiệm vụ hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), mức độ ô nhiễm và có các giải pháp khắc phục tình trạng ÔNMT nước sông Bưởi; có biện pháp xử lý vi phạm đối với Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình, để làm cơ sở yêu cầu Công ty đền bù thiệt hại về kinh tế cho nhân dân.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()