Xâm lấn rừng lâm nghiệp - Bài học từ huyện Hữu Lũng
Theo báo cáo của Công an Hữu Lũng, tình trạng chiếm đất, mâu thuẫn giữa nội bộ nhân dân và lâm trường đã xảy ra từ lâu, kéo dài nhiều năm. Từ năm 2014 đến nay trở nên nóng bỏng, diễn ra gay gắt tại 7 xã: Vân Nham, Hồ Sơn, Tân Thành, Thiện Kỵ, Minh Hòa, Đồng Tiến, Đô Lương. Nhiều vụ việc xảy ra đánh nhau, gây thương tích, khiếu kiện dẫn đến đất đai bỏ trống, hoang hóa.
Nóng tranh chấp
Năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) được giao quản lý gần 14.000 ha đất lâm nghiệp, tuy nhiên sau đó, Công ty quy hoạch, rà soát và lập hồ sơ hoàn trả cho tỉnh phần lớn diện tích đất, chỉ giữ lại trên 4.299 ha.
Ông Nguyễn Khương Lâm, Giám đốc Công ty Đông Bắc cho biết: Sau khi Công ty tiến hành giao đất, khoán hộ cho người dân địa phương vẫn xảy ra tình trạng một số người không ký hợp đồng, có nhiều đối tượng lấn chiếm, chặt phá đất rừng, cây trồng. Hiện nay gần 500 ha trên tổng diện tích 4.299 ha Công ty đang trực tiếp quản lý bị người dân xâm lấn.
Trong các địa bàn xảy ra tranh chấp, xã Tân Thành đang là “điểm nóng”. Đây là xã vùng ba, khó khăn, trình độ dân trí thấp; trong tổng số 1.600 hộ thì phần đa là người dân tộc Tày- Nùng. Ông Hoàng Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: Mâu thuẫn giữa Công ty Đông Bắc và các hộ dân xảy ra gần như ở tất cả các thôn. Chỉ tính riêng thôn Cốt Cối với khoảng 400 ha đất thì dân lấn chiếm 272 ha (chiếm 68%), diện tích đất đang tranh chấp khoảng 70 ha. “Người dân thi nhau lấn chiếm với lý do “đói đất” sản xuất, số đông thì viện cớ đòi đất ông cha. Người dân canh tác vài ba năm không hiệu quả, bỏ đi nơi khác; nay thấy người khác được Công ty Đông Bắc giao khoán, trồng cây bạch đàn, làm ăn có hiệu quả, bèn quay lại đòi đất, chặt phá cây rừng”, ông Thạch nói.
Các cấp, ngành bàn biện pháp giữ rừng ở Hữu Lũng
Xử lý nghiêm
Đại tá Nguyễn Xuân Thu, Trưởng Công an huyện Hữu Lũng cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng công an đã tuyên truyền, thuyết phục và cảnh cáo những hành vi sai trái, tuy nhiên, một số đối tượng vẫn cố tình vi phạm pháp luật. Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố 4 vụ, 32 bị can về hành vi “Hủy hoại tài sản” và “Chiếm đoạt tài sản”. Mới đây, Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng đưa ra xét xử vụ án chiếm đoạt tài sản, tuyên phạt: Lưu Văn Bẩy (SN 1986, trú tại thôn Toàn Tâm, xã Vân Nham, Hữu Lũng) 12 tháng tù giam; Hứa Thị Bắc (SN 1955, mẹ của Bẩy) 3 tháng tù. Đây là hai người ngoan cố trong việc tranh giành đất của Công ty Đông Bắc.
Gặp phóng viên tại khu tạm giam của Công an huyện, ông Hoàng Văn Bé (SN 1980, dân tộc Nùng, trú tại thôn Trại Nhạn, xã Hồ Sơn, Hữu Lũng), nhớ lại: “Cách đây chừng một tháng, tôi đang ở nhà thì có người điện thoại bảo đi đòi đất, tôi liền đi theo. Anh trai tôi cũng tham gia nên tôi càng hăng hái lên khu đồi của Công ty Đông Bắc rồi dùng dao quắm chặt đứt chồi cây bạch đàn; chúng tôi chỉ nhằm mục đích lấn chiếm đất, chứ không lấy cây”. “Đến bây giờ nghĩ lại, thấy việc làm của mình là sai trái; tôi mong cơ quan pháp luật mở rộng khoan hồng vì trình độ, nhận thức của tôi còn non kém”, ông Bé tỏ ra ân hận.
Giải pháp
Trước tình hình tranh chấp đất lâm trường diễn biến ngày càng phức tạp, Huyện ủy, UBND huyện Hữu Lũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Bình có ý kiến chỉ đạo: Yêu cầu Công ty Ðông Bắc phải thống kê đầy đủ danh sách hộ dân lấn chiếm (bao gồm diện tích, khu vực, thời gian). Trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng mâu thuẫn kéo dài nhiều năm qua. Trước mắt, Công ty Đông Bắc tiến hành đo đạc, xác định cụ thể diện tích đất cần sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và diện tích đất không sử dụng hiệu quả trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định giao trả lại cho địa phương trong thời gian sớm nhất.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu Công ty Đông Bắc cần công khai, minh bạch việc ký hợp đồng khoán trồng rừng, tỷ lệ chia lợi nhuận giữa Công ty và người dân. Tiến hành rà soát, cân đối việc giao đất rừng; tránh tình trạng người được giao nhiều đất, nhưng năng lực canh tác, sản xuất kém.
Nỗ lực giải quyết triệt để vấn nạn tranh chấp đất lâm nghiệp ở Hữu Lũng nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung đang trở nên cấp bách. Qua đó góp phần ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh của lâm trường và người dân; đồng thời giữ gìn trật tự trị an trên địa bàn.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()