Xác lập vị thế Kho bạc Nhà nước trong hệ thống quản lý tài chính - ngân sách quốc gia
Kho bạc Nhà nước (KBNN), tiền thân là Nha Ngân khố Quốc gia thuộc Bộ Tài chính, được thành lập ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 1-4-1990, hệ thống KBNN được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương đến tỉnh, huyện chính thức hoạt động trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, hệ thống KBNN ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền tài chính quốc gia, xác lập vị thế trong hệ thống quản lý tài chính - ngân sách quốc gia, góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trưởng thành trong gian khó
Nha Ngân khố Quốc gia đã gắn bó mật thiết với thời kỳ khó khăn nhất của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc (1946 – 1951) và hoàn thành tốt các trọng trách được Chính phủ giao phó. Trong hoàn cảnh đặc biệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để thực hiện chính sách động viên các nguồn lực tài chính trong nước, từng bước ổn định nghĩa vụ đóng góp của nhân dân, ngày 20-7-1951, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 107/TTg thành lập Kho bạc Nhà nước đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính với nhiệm vụ chủ yếu quản lý thu, chi quỹ ngân sách nhà nước (NSNN). KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trực tiếp quản lý các nguồn thu của NSNN, cấp phát kịp thời các nhu cầu chi tiêu của cuộc kháng chiến mà trọng tâm là bảo đảm sức chiến đấu của bộ đội và duy trì sự hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Từ Ðại hội VI của Ðảng, cơ chế quản lý tài chính và tiền tệ đã có những thay đổi căn bản, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới. Ngày 4-1-1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 07/HÐBT tái thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính với chức năng chính giúp Bộ trưởng Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về quỹ NSNN. Sau ba tháng tích cực chuẩn bị, ngày 1-4-1990, hệ thống KBNN được tổ chức theo ngành dọc từ trung ương đến địa phương cấp huyện chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước. Trong suốt quá trình phát triển, hệ thống KBNN luôn bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối tiền và tài sản của Nhà nước giao quản lý. Trong điều kiện đời sống cán bộ, công chức KBNN gặp không ít khó khăn, đội ngũ cán bộ kiểm ngân KBNN vẫn luôn giữ gìn phẩm chất, vượt qua cám dỗ, liêm khiết, trung thực, có nhiều hành động cao đẹp, trả lại tiền thừa cho khách hàng. Từ khi tái thành lập đến nay, toàn hệ thống KBNN đã trả lại gần 250 tỷ đồng tiền thừa cho khách hàng, góp phần nâng cao uy tín của hệ thống KBNN, tạo được niềm tin trong nhân dân.
KBNN luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm là quản lý quỹ NSNN, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp trong việc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 1997, khi Luật NSNN có hiệu lực thi hành, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý chi NSNN được quy định rõ ràng. KBNN từ chỗ chỉ đơn thuần xuất, nhập quỹ NSNN theo lệnh chuẩn chi của cơ quan tài chính hoặc đơn vị dự toán, đã chuyển sang thực hiện kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN. Từ đó, KBNN thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN theo hướng rút ngắn thời gian, đơn giản hóa hồ sơ đề nghị thanh toán, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công, ngăn chặn nợ đọng trong thanh toán, tạo cơ sở cho việc quản lý chi tiêu ngân sách trung hạn. Hằng năm, KBNN thực hiện kiểm soát hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn NSNN bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định; từ chối thanh toán hàng trăm tỷ đồng các khoản chi không đúng chế độ; xứng đáng là người gác cửa cuối cùng cho NSNN.
Công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) của KBNN đã từng bước được hiện đại hóa, từ chỗ chỉ thực hiện bán lẻ, đến nay việc phát hành TPCP theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế; tính thanh khoản TPCP được cải thiện; kỳ hạn phát hành đa dạng hóa; cơ chế điều hành lãi suất bám sát diễn biến thị trường, phù hợp định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn. Việc phát hành TPCP đã tập trung, huy động nguồn lực tài chính nhanh, kịp thời cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia trong từng giai đoạn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hầu hết các hoạt động nghiệp vụ KBNN đã được tin học hóa và có thể kết nối với hạt nhân trung tâm là Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc. Hệ thống này được chính thức vận hành trên phạm vi cả nước từ cuối năm 2012, bao gồm một quy trình liên kết chặt chẽ từ khâu nhập dữ liệu, xử lý thông tin và quản lý thông tin về thu, chi NSNN giữa các cơ quan tài chính, KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách. Qua đó, góp phần chuẩn hóa các quy trình quản lý ngân sách; cung cấp thông tin về tình hình tài chính, ngân sách đầy đủ, kịp thời, chính xác và góp phần nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công.
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, chính trị thường xuyên được giao, hệ thống KBNN đã xác định và bám sát một số nhiệm vụ trọng tâm, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, KBNN tổ chức triển khai có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ mới được giao, bảo đảm hoạt động ổn định của hệ thống; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các chức năng, nhiệm vụ để phù hợp xu hướng cải cách tài chính công và Chiến lược phát triển KBNN. Cụ thể, tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý quỹ NSNN, các quỹ tài chính nhà nước được giao quản lý theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch, bảo đảm quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước. Ðồng thời, thực hiện chức năng tổng kế toán nhà nước với trọng tâm là xây dựng các báo cáo tài chính nhà nước, nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện về tình hình NSNN, tài chính, tình hình công nợ và tài sản của Nhà nước phục vụ công tác đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước của Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.
Một vấn đề quan trọng khác, KBNN sẽ tập trung nguồn lực hoàn thành các dự án công nghệ thông tin trọng điểm của hệ thống KBNN, lấy công nghệ thông tin làm bước đột phá trong hiện đại hóa và cải cách hoạt động; triển khai đầy đủ các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của KBNN cũng như phục vụ quản trị nội bộ; đồng thời, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư, bảo đảm toàn bộ các hoạt động của KBNN được thực hiện trên môi trường mạng máy tính, tiến tới hình thành kho bạc điện tử trong thời gian tới. Việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực đủ năng lực thực hiện các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ được giao đang được KBNN tiến hành đồng bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp theo chức năng, bảo đảm tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp, tác nghiệp giỏi; xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng nghiên cứu, phân tích, dự báo và hoạch định chính sách. Ngoài ra, còn tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lấy chất lượng cao trong quản lý và phục vụ các đơn vị giao dịch là mục tiêu của KBNN; rà soát và hoàn thiện cơ chế, quy trình thủ tục trong thu, chi NSNN theo hướng đơn giản hóa và giảm thiểu thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, giảm chi phí thời gian và vật chất cho các đơn vị và cá nhân khi thực hiện giao dịch với KBNN.
Trong 25 năm qua, những kết quả, thành tích xuất sắc mà hệ thống KBNN đạt được đã từng bước xác lập vị thế, vai trò của KBNN trong hệ thống quản lý tài chính – ngân sách quốc gia, được Ðảng và Nhà nước đánh giá cao. Năm 2010, hệ thống KBNN vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý của Ðảng và Nhà nước trao tặng cho hệ thống KBNN. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()