Xác định vai trò Nhà nước, doanh nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Vai trò của Nhà nước trong ngành nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đến với nông nghiệp, doanh nghiệp phát triển được khi hoạt động trong lĩnh vực này, hay cần phải thay đổi cơ cấu nguồn lực đầu tư như thế nào... là những vấn đề chính mà các đại biểu đưa ra tại hội thảo Tham vấn lý luận và phương pháp triển khai tái cơ cấu nông nghiệp do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 9/11, tại Hà Nội.
Ảnh minh họa (Nguồn: thoibaonganhang.vn) |
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tái cơ cấu nông nghiệp cần theo 3 tuyến cấu trúc. Thứ nhất là sản phẩm, quan trọng nhất là sản phẩm phải gắn với đẳng cấp công nghệ, gắn với quy mô, vùng sản xuất. Nếu quy mô sản xuất nhỏ sẽ không thể tạo ra được sản lượng lớn, hàng hóa có chất lượng cao… để có thể hội nhập. Thứ hai là chuỗi sản xuất, chuỗi đầu vào vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài, chế biến thì chưa có nhiều, do đó cấu trúc chuỗi cần phải thiết lập thì nền nông nghiệp mới “an toàn”. Cuối cùng là cấu trúc chủ thể, hiện đang có mô hình liên kết “4 nhà”, nhưng trong đó phải coi doanh nghiệp là lực lượng tiên phong để dẫn dắt nông dân. Nhà nước phải cam kết cho doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trụ cột trong phát triển nông thôn, phát triển thị trường.
Với sự đầu tư cho ngành nông nghiệp ngày càng thấp trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Tiến Phong, Trưởng phòng Giảm nghèo và Phát triển xã hội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng, phải làm sao dồn nguồn lực nhiều hơn cho ngành nông nghiệp, cho nông dân. Hiện năng suất lao động nông nghiệp ở Việt Nam rất thấp, do đó cần phải đầu tư nhiều hơn trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp cũng như nâng cao năng lực cho nông dân để họ có thể tự tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đề vai trò của Nhà nước, Nhà nước phải đặt ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, từ đó định hướng, hướng dẫn nông dân sản xuất ra các sản phẩm có thể xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tiến Phong cũng cho rằng: Nhà nước vẫn chưa làm tốt vai trò của nhà quản lý trong việc mất cân bằng trong đầu tư vào ngành nông nghiệp, hay vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm… Với vai trò của mình, Nhà nước cần đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, nguồn lực đi đúng hướng. Đặc biệt, Nhà nước còn có vai trò như “bà đỡ” để thu hút doanh nghiệp đến với ngành nông nghiệp. Do vậy, vai trò của Nhà nước trong tái cơ cấu ngành cần được nghiên cứu kỹ hơn và trong từng công việc cụ thể.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chuyên gia chính sách của FAO, quan trọng đầu tiên là các cơ quan chức năng nhà nước cần rà soát lại các định hướng chính sách, các văn bản quản lý chất lượng từ đó xác định vai trò của Nhà nước trong tái cơ cấu ngành. Trong bối cảnh hội nhập, làm thế nào để kết nối được 98% là nông hộ sản xuất nhỏ với chuỗi cung ứng toàn cầu và phát huy được lợi thế nông nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó, xác định chức năng cơ bản của quản lý Nhà nước, xác định quy trình quản lý Nhà nước cần thiết, có thể lọc ra các nhiệm vụ nào là dịch vụ công cần phải giữ và tăng cường, dịch vụ nào có thể xã hội hóa, dịch vụ nào có thể kết hợp theo hợp tác công – tư PPP.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định: tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ tạo ra một nền nông nghiệp vững mạnh, tạo ra nhiều hàng hóa lớn mà mục tiêu quan trọng hơn cả là nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Do vậy, cách làm đầu tiên đầu tiên phải thay đổi nhận thức, cách tư duy, tiếp cận theo hướng thị trường, thúc đẩy cơ chế thị trường hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, đồng thời làm tốt hơn vai trò quản lý của Nhà nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()