Xác định trách nhiệm của Hội đồng bầu cử và những vấn đề cần được trưng cầu ý dân
Ngày 25-2, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc Phiên họp thứ 35, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự, có các Phó Chủ tịch QH.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trân trọng gửi lời chúc mừng năm mới Ất Mùi 2015 tới các vị đại biểu QH, đồng bào và cử tricả nước; đồng thời mong muốn các vị đại biểu QH, đồng bào, cử tri cả nước tiếp tục quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa để hoạt động của QH ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong ba ngày diễn ra phiên họp, Ủy ban TVQH tập trung cho ý kiến đối với công tác xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Cho ý kiến vào các dự án luật: Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Tạm giữ, tạm giam. Thành viên dự họp sẽ cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; phương án phân bổ vốn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.
Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HÐND. Các ý kiến tập trung thảo luận quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc chỉ đạo, tổ chức bầu cử. Theo quy định trong luật bầu cử hiện hành, Ủy ban TVQH là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì cuộc bầu cử đại biểu QH và giám sát cuộc bầu cử QH và bầu cử HÐND. Chính Phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác bầu cử theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, QH thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia để làm nhiệm vụ tổ chức bầu cử QH. Do vậy, nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban TVQH cũng như của Chính phủ trong việc bầu cử cần có sự điều chỉnh lại. Nhiều ý kiến nhất trí đề nghị, nên quy định Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ được thành lập khi công bố ngày bầu cử và kết thúc nhiệm vụ sau khi QH xác nhận tư cách đại biểu QH.
Tiếp đó, Ủy ban TVQH cho ý kiến vào dự án Luật Trưng cầu ý dân. Dự án Luật Trưng cầu ý dân quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc trưng cầu ý dân, người có quyền biểu quyết trưng cầu ý dân, những vấn đề đề nghị trưng cầu ý dân, phạm vi trưng cầu ý dân, giám sát trưng cầu ý dân và kinhphí tổ chức trưng cầu ý dân và những hành vi bị nghiêm cấm… Liên quan phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định tổ chức trưng cầu ý dân trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, tùy thuộc vào tính chất, tầm quan trọng và phạm vi tác động của vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân, QH sẽ quyết định quy mô tổ chức hợp lý, có thể trên phạm vi toàn quốc, hoặc trong một vùng, một số tỉnh, thành phố hoặc chỉ trong một tỉnh, thành phố.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân là đặc biệt quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong tham gia vào các công việc của Nhà nước. Một số ý kiến đề nghị, chỉ nên quy định khái quát, nguyên tắc những vấn đề có thể được đưa ra trưng cầu ý dân. Tùy theo yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân đối với từng vấn đề cụ thể.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH cho ý kiến về kế hoạch tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hà nh Luật Tổ chức QH.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()