Xác định được gien liên quan ung thư ngực
Theo Giáo sư Ét-uốt, việc phát hiện ra vai trò của gien NRG1 là bước tiến quan trọng nhất trong hoạt động nghiên cứu về gien gây nên ung thư trong 20 năm trở lại đây. Phát hiện này không chỉ hỗ trợ công tác nghiên cứu quá trình phát triển ung thư vú mà còn ở một số bệnh ung thư khác như ung thư ruột, tiền liệt tuyến, buồng trứng và bàng quang. Tất cả mọi người khi sinh ra đều có gien NRG1. Tuy nhiên, đối với một số người, theo thời gian, gien này có thể bị hư hỏng hoặc mất đi. Điều này khiến căn bệnh ung thư phát triển. Ông Let-ly Vôn-cơ, Giám đốc thông tin ung thư tại Viện Nghiên cứu ung thư của Anh đánh giá phát hiện của các nhà khoa học tại Trường Cam-brít là một bước tiến quan trọng để hiểu thêm về tiến triển bệnh lý ung thư. Ông cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để biết chính xác gien này có ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển ung thư.
Đột phá trong nghiên cứu vắc-xin phòng chống HIV/AIDS
48 tuần sau khi vắc-xin được đưa vào người bệnh, có tín hiệu cho thấy có thể chặn đứng sự hủy hoại của vi-rút HIV đối với hệ miễn dịch. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Y tế Cao cấp I-ta-li-a (ISS) cho biết, một loại vắc-xin phòng chống AIDS mà họ đang thử nghiệm dường như đã có khả năng đưa hệ thống miễn dịch ổn định trở lại. Việc thử nghiệm hiện trong giai đoạn thứ hai và sẽ hoàn tất với 160 người bệnh nữa. Bà Ba-ra-ba-ra En-so-li, dẫn đầu nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Y tế Cao cấp I-ta-li-a đã nghiên cứu loại vắc-xin trên trong mười năm cho biết, 48 tuần sau khi vắc-xin được đưa vào người bệnh, có tín hiệu cho thấy có thể chặn đứng sự hủy hoại đối với hệ miễn dịch. Giai đoạn thử nghiệm thứ hai được bắt đầu cuối năm 2008 với 128 người bệnh cả nam và nữ nhiễm HIV, tuổi từ 18 đến 25. Năm 2006, bà En-so-li đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu đầu tiên và cho biết, toàn bộ người bệnh tình nguyện người I-ta-li-a đều phản ứng tích cực với loại vắc-xin này, cơ thể họ sản xuất ra những kháng thể đặc trưng. Vắc-xin của bà En-so-li tìm cách chặn đứng sự lây nhiễm, ngăn ngừa các tế bào bị nhiễm nhân bản và có thể phát huy hiệu quả trong việc chống lại mọi biến thể vi-rút HIV.
Không nên cắt nhỏ cà rốt trước khi nấu
Mới đây, các nhà khoa học cho biết, khi nấu cà rốt chúng ta nên để nguyên cả củ, sau đó mới cắt nhỏ sẽ làm tăng khả năng chống ung thư lên 25%. Khi nấu để nguyên cả củ sẽ ngăn ngừa các dưỡng chất có giá trị bị rửa trôi theo nước, và sẽ có hương vị thơm ngon hơn so với khi cắt nhỏ. Cà rốt từ lâu được biết đến với những tác dụng rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là vi-ta-min và hàm lượng chất xơ. Chúng chứa một lượng lớn carotenoid chuyển thànhvi-ta-min A khi vào trong cơ thể. Cà rốt cũng chứa đáng kể lượng hợp chất falcarinol chống ung thư. Trong một nghiên cứu trước đây, TS Crit-xten Bren đã phát hiện thấy những con thỏ ăn cà rốt hoặc falcarinol thì giảm được một phần ba nguy cơ phát triển các khối u so với những con thỏ không ăn. Mới đây, TS Bren và nhà nghiên cứu A-lam Rat-xơ đến từ Trường Niu-ca-xtơ phát hiện ra rằng cà rốt luộc rồi mới cắt nhỏ chứa chất falcarinol nhiều hơn 25% so với cắt trước khi luộc. Khi cắt cà rốt, chúng ta làm tăng diện tích tiếp xúc của chúng với nước dẫn đến cà rốt sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng hơn so với khi luộc rồi mới cắt. Nhiệt độ làm mềm các thành tế bào trong rau củ khiến vi-ta-min cùng falcarinol thoát ra bên ngoài.
Ý kiến ()