Xã Thống Nhất tập trung giải quyết phát sinh sau sáp nhập
(LSO) –Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 818 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn. Theo đó, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã: Xuân Tình, Như Khuê, Vân Mộng, Nhượng Bạn. Sau khi thành lập, xã Thống Nhất có 47,092 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số 6.792 người, phân bố ở 21 thôn. Ngay sau khi sáp nhập, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Lộc Bình, cấp ủy, chính quyền xã Thống Nhất tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh sau sáp nhập như: lựa chọn trụ sở làm việc của UBND xã, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân; sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập…
Đồng chí Hoàng Thị Hương, Bí thư Đảng uỷ xã Thống Nhất cho biết: Sau khi sáp nhập. Đảng bộ xã gồm 30 chi bộ, 451 đảng viên, trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ các xã: Xuân Tình, Như Khuê, Vân Mộng, Nhượng Bạn. Sau khi thành lập đảng bộ, bộ máy tổ chức của xã được sắp xếp, kiện toàn ổn định. Đảng ủy, chính quyền xã xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức xã. Cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của năm 2020.
Cán bộ bộ phận một cửa xã Thống Nhất giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Chị Ngô Lan Quyên, cán bộ Văn phòng UBND xã cho biết: Sau khi sáp nhập, tại bộ phận tiếp dân của xã khá đông người tới giải quyết các thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ văn phòng luôn giữ thái độ thân thiện với người dân và làm việc có trách nhiệm. Mỗi ngày, trung bình xã tiếp 30 – 40 công dân đến giải quyết các thủ tục hành chính nhưng đội ngũ cán bộ, công chức văn phòng không để xảy ra trường hợp người dân phải ngồi chờ hoặc hồ sơ để quá lâu.
Sau khi sáp nhập, nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết để ổn định tâm lý người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ). Trụ sở làm việc mới được chính quyền xã lựa chọn theo chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện, được đưa ra bàn, lấy ý kiến tại cuộc họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ xã và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tại các cuộc họp thôn. Trên cơ sở các tiêu chí cùng sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân, trụ sở UBND xã Xuân Tình (cũ) được lựa chọn làm trụ sở UBND xã Thống Nhất. Hiện tại, tất cả CB, CC, VC, NLĐ đã chuyển tới làm việc tại trụ sở mới. Các thủ tục hành chính của người dân được giải quyết nhanh chóng theo đúng quy định của Nhà nước.
Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ là một trong những vấn đề trọng tâm, là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xây dựng phương án, thực hiện các chính sách giải quyết đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập là bài toán khó giải quyết, nhất là liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như ngân sách, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Sau khi sáp nhập, xã Thống Nhất có tổng số 77 CB, CC, VC, NLĐ, tuy nhiên, theo quy định chỉ có 43 CB, CC, VC, NLĐ được bố trí, sắp xếp vị trí việc làm trong bộ máy tổ chức. Như vậy, xã dôi dư 34 người. Để giải quyết số cán bộ dôi dư, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện một số giải pháp: vận động một số cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; kiểm tra, rà soát bằng cấp của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đã có 12 cán bộ xin nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã quan tâm giải quyết các chế độ, chính sách cho CB, CC, VC, NLĐ. Đối với 22 cán bộ dôi dư còn lại đã được UBND huyện Lộc Bình luân chuyển và biệt phái đến các xã khác nhận nhiệm vụ. Ngoài ra, xã Thống Nhất còn được tăng cường công an chính quy về giữ chức Trưởng công an xã để nhanh chóng giải quyết yêu cầu chứng thực hồ sơ có liên quan đến lĩnh vực công an.
Người dân và đội ngũ CB, CC, VC xã Thống Nhất đều nhận thức được việc sáp nhập là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước. Hiện xã đã ổn định tổ chức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ý kiến ()