Xã nghèo “khát” nước
(LSO) – Những ngày cuối năm 2019, trong khi ở các xã lân cận như Bằng Mạc, Hòa Bình, người dân đang tất bật làm đất trồng vụ đông – xuân, thì những cánh đồng ở xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng lại nứt nẻ, trơ trọi gốc rạ do thiếu nước sản xuất. Không những thế, bà con nơi đây đã và đang phải sống trong cảnh “khát” nước sinh hoạt trầm trọng…
Chắt chiu từng giọt nước
Một bể chứa nước mưa, một bể phụ chứa nước đã qua sử dụng để tưới cây, đó là hình ảnh dễ thấy khi vào nhà dân ở thôn Pá Tào, xã Bằng Hữu. Ông Lưu Văn Vân, một người dân trong thôn nói: Bao năm nay, chúng tôi luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống rất khó khăn. Vì thế, mỗi hộ xây bể hứng nước mưa để sử dụng và dự trữ khi hạn hán kéo dài. Cạnh bể này chúng tôi xây thêm một bể con để sau khi vo gạo, rửa rau, tắm giặt… nước chảy xuống đó để tận dụng tưới cây. Ở đây, mỗi giọt nước đều phải chắt chiu, nhất là mùa khô như hiện nay…
Do thiếu nước, người dân xã Bằng Hữu chắt chiu từng giọt nước để sử dụng
Không chỉ Pá Tào, cảnh thiếu nước sản xuất, thiếu nước sinh hoạt là tình trạng chung ở 10/10 thôn bản của xã Bằng Hữu nhiều năm nay. Nguyên nhân của tình trạng này là do ở đây không có mạch nước ngầm, bà con từng đào giếng, thậm chí thuê máy khoan sâu tới hàng trăm mét nhưng không có lấy một tia nước lên.
Để khắc phục, các gia đình ở gần khe nước tự nhiên chảy từ trên đồi xuống đã lắp ống dẫn nước về sử dụng và đem bán. Còn lại hầu hết các hộ gia đình đều xây bể chứa nước mưa, do đó, tất cả sinh hoạt hằng ngày từ ăn, uống, tắm giặt đến lao động sản xuất của bà con nơi đây đều trông cậy vào “ông trời”.
Cũng như các khu dân cư, các cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn xã Bằng Hữu cũng chung cảnh ngộ. Đối với các trường học, trò chuyện với thầy cô giáo, chúng tôi thấy điều họ quan tâm không chỉ là việc dạy và học, mà họ còn đau đáu nỗi lo: “Làm thế nào để có nước sinh hoạt cho giáo viên và học sinh?”.
Cô Hoàng Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã chia sẻ: Hằng ngày, nhà trường phải trích quỹ mua từ 2 – 4 bình nước lọc cho giáo viên và học sinh uống. Còn nước sinh hoạt phải đi mua với nhà dân; bảo vệ nhà trường kiêm luôn việc vận chuyển nước…
Công trình nước sạch và câu chuyện quản lý
Trước những khó khăn về nước sinh hoạt, nhân dân và cán bộ xã Bằng Hữu đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp, các ngành. Từ năm 2009 trở về trước, xã đã 3 lần được hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt. Trong đó, lần gần đây nhất, theo chương trình 135, xã được hỗ trợ xây dựng một công trình nước sinh hoạt tập trung ở thôn Thồng Noọc. Tuy nhiên, do công tác quản lý lỏng lẻo, sự thiếu ý thức, trách nhiệm của người dân đã khiến công trình không phát huy hiệu quả và xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, một số hộ dân sinh sống, canh tác gần khu vực đặt bể đã tự ý lắp thêm ống dẫn nước về nhà và xuống ruộng gần đó, khiến nước không đến được với các hộ ở xa. Điều này đã gây búc xúc, mất đoàn kết trong dân, những hộ không lấy được nước đã âm thầm phá bể, phá ống dẫn. Đến khoảng năm 2014, bể hỏng không sử dụng được nữa, người dân lại lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng.
Tình trạng đó ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và phát triển kinh tế của người dân, đây là lý do chính khiến số hộ nghèo ở Bằng Hữu còn chiếm hơn 18%.
Niềm vui và niềm hy vọng về cuộc sống mới đã đến với bà con, khi cuối tháng 10/2019 vừa qua, công trình cấp nước sinh hoạt xã Bằng Hữu được khởi công xây dựng ở thôn Làng Tuống. Công trình do Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục như khu đầu mối, bể chứa 80m³, hệ thống ống dẫn nước. Công trình có công suất thiết kế 300m³/ngày đêm, bước đầu sẽ cấp nước sinh hoạt cho 476 hộ dân và phát triển lên trên 560 hộ trong tương lai. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2020.
Ông Hoàng Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu cho biết: Đây là công trình thứ tư về nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng trên địa bàn. Rút kinh nghiệm từ những đợt trước, tới đây xã sẽ thành lập ban quản lý công trình; nhà thầu cũng sẽ lắp đặt đồng hồ đo nước và thu tiền của bà con. Cách làm này chắc chắn sẽ nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong bảo vệ công trình của nhân dân.
Cũng theo ông Chuyển, bên cạnh nước sinh hoạt, vấn đề nước phục vụ sản xuất cũng là khó khăn lớn của xã, do địa bàn chỉ vài thôn như Làng Tuống, Làng Giao có suối nhỏ chảy qua, còn lại là trông chờ trời mưa. Thời gian tới, xã kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ xây dựng đập nước Khau Chong, thuộc thôn Thồng Noọc để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con.
Việc đầu tư xây dựng các công trình là mong mỏi cấp thiết của nhân dân xã Bằng Hữu, nhằm giải quyết tình trạng “khát” nước tại đây. Nhưng để các công trình bền vững và phát huy hiệu quả lâu dài, việc quản lý, bảo vệ nó là câu chuyện xã cần lưu tâm, kiên quyết. Quản lý tốt chính là bảo vệ lợi ích và tài sản của xã và của chính bản thân người dân.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()