Xã luận: Giữ bằng được cốt cách con người Việt Nam
Đúng ngày này 75 năm trước, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) trong một ngày (ngày 24-11-1946).
Dù khi ấy, tình thế cách mạng Việt Nam như “ngàn cân treo sợi tóc”. nhưng hơn 200 đại biểu là các nhà hoạt động văn hóa trên toàn quốc và đại diện Chính phủ, Quốc hội vẫn tham dự hội nghị để cùng làm rõ vai trò, sứ mệnh của văn hóa, đặt cơ sở cho nền văn hóa mới ở Việt Nam, như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong diễn văn khai mạc hội nghị: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.
75 năm sau, đúng dịp kỷ niệm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị (lần thứ ba) Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội và trực tuyến ở các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố; các cơ quan bộ, ngành Trung ương và địa phương. Hội nghị có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng khi những bài học từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì còn nguyên giá trị về tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đối với lĩnh vực văn hóa; khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
![]() |
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh tư liệu. Nguồn: Baovanhoa.vn. |
Hội nghị lần này sẽ đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, xét về tính chất, ý nghĩa, quy mô hội nghị, có thể thấy, hội nghị này không chỉ dành riêng cho ngành văn hóa mà phải hiểu rộng hơn, đây là công việc chung của toàn Đảng, toàn dân trong bối cảnh nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng. Tầm vóc của hội nghị cũng cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về văn hóa. Trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng đều khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước” và “Văn hóa với tư cách là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”. Chính vì thế, không được coi nhẹ văn hóa và phát triển văn hóa. “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội…”. Nói cách khác, phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Vì thế, văn hóa được xác định là một trong 4 trụ cột chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cần hiểu rõ rằng, dù có làm gì thì mục tiêu cuối cùng chính là phát triển con người. Văn hóa gắn bó mật thiết với con người, do đó, phát triển kinh tế, văn hóa không ngoài mục đích vì sự phát triển của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Bởi vậy, nhiệm vụ vẻ vang nhất của văn hóa chính là góp phần giáo dục, bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa, hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Nhắc tới vai trò của văn hóa, Bác nhấn mạnh: Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, sửa được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình…
Đồng chí Trường Chinh, trong bài “Lập trường tư tưởng văn hóa mác-xít” (trích trong cuốn “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”-Hội Văn nghệ Việt Nam, xuất bản năm 1949), từng viết: “Văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng cốt chuộng sự thật. Nó bóc trần những gốc bệnh của xã hội”. Điều này cho thấy, ngay từ rất sớm, Đảng yêu cầu những người làm văn hóa phải nói sự thật. Nghĩa là biểu dương cái hay, phê bình cái dở, làm cho xã hội ngày càng có thêm nhiều cái hay, hạn chế cái dở. Cái dở được chỉ ra ở đây là sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Cái dở còn là việc xây dựng thể chế văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và hiệu quả. Các văn bản pháp luật về văn hóa nhiều khi chưa theo kịp với tình hình thực tiễn, chưa thực sự đi vào cuộc sống. Nhiều sản phẩm văn hóa không phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thậm chí độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, lối sống của một phần không nhỏ người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chỉ khi nào nhận thức đầy đủ cái hay, cái dở, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân mới thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, không đi chệch hướng; phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Đảng ta đã khẳng định, văn hóa chính là thành quả sáng tạo của con người, của dân tộc, đồng thời, văn hóa cũng chính là môi trường nuôi dưỡng, dẫn dắt không ngừng hoàn thiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước luôn tạo mọi cơ hội, điều kiện và môi trường thuận lợi để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, tạo điều kiện để mọi người Việt Nam đều tham gia xây dựng và phát triển văn hóa nước nhà. Đường lối đúng đắn của Đảng, sự tiên phong, gương mẫu của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị là nhân tố quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện thành công sự nghiệp phát triển văn hóa.
Sau hội nghị, các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn cũng như các ý kiến tâm huyết sẽ thể chế hóa, giúp giải quyết những vấn đề thực tiễn trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội. Đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm, chủ thể xây dựng văn hóa, ngược lại, văn hóa hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước. Đó là con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Quandoinhandan

Ý kiến ()