Xã Lợi Bác (Lộc Bình): Cần giải pháp dài hạn để phát triển bền vững
Nếu trước năm 2010, cấp học mầm non và THCS chưa phát triển, nhiều học sinh, nhất là ở các thôn bản xa như Nà Xỏm, Khuổi Tà… chỉ học hết lớp 5 rồi ở nhà theo gia đình đi làm nương làm ruộng; thì nay với trường THCS được xây dựng bằng vốn chương trình 135 và chuyển đổi thành trường phổ thông DTBT thì học sinh đã có cơ hội học lên. Thầy giáo Hứa Thái Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi có loại hình phổ thông DTBT, tỷ lệ học sinh hoàn thành tiểu học vào lớp 6 đã đạt trên 90%, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, chất lượng đã có sự chuyển biến khá rõ nét.
Chăm sóc trẻ ở Trường Mầm non Lợi Bác
Lợi Bác có tiềm năng là kinh tế rừng với cây thông nhựa và bạch đàn cao sản đảm bảo cho một nền kinh tế lâm nghiệp bền vững; là nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy nhiệt điện Na Dương bằng Hồ Nà Cáy và có tiềm năng đáng kể sản xuất ra thực phẩm như rau màu, thủy sản cùng nhiều nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên do địa hình quá phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư thỏa đáng để người dân có cơ hội khai thác tiềm năng nên tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 ở địa vẫn còn tới 56%. Cùng chúng tôi phân tích nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo còn cao, ông Vi Văn Như, Chủ tịch UBND xã cho rằng địa phương chưa được đầu tư đồng bộ để “đủ sức” thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Nguồn vốn 135 “cần” song chưa “đủ”, vì vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng là rất lớn. Đến nay, trong 12 thôn bản, mới chỉ có 2 thôn giáp quốc lộ 4B là có đường bê tông xi măng, 10 thôn còn lại là đường đất chỉ đi lại được về mùa khô. Điện lưới quốc gia mới đến được 4 thôn với 40% dân số được dùng điện. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo được thực hiện đã gần 20 năm nay, song Lợi Bác cũng chỉ “xóa” được hộ đói, còn cái nghèo thì năm cao năm thấp và thiếu bền vững. Không điện, thiếu đường, thiếu một “cú hích” để phát triển, người dân chỉ luẩn quẩn giảm nghèo “tức thì” theo cách lấy nhựa thông non mang bán, cấy vài sào ruộng cho xong thời vụ, thời gian còn lại rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê. Toàn xã có 680 hộ dân với trên 3000 nhân khẩu, tuy dân số trong độ tuổi lao động chiếm đến 65%, song rất ít người có trình độ học vấn hết cấp THPT, có tư duy kinh tế năng động và sáng tạo. Anh nói thêm, địa phương đã rất quan tâm đến giáo dục, song cũng chỉ có thể “lo” đến hết cấp THCS. Học lên và việc làm hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường lao động, mà trước hết là sức hút của Công ty than và Nhà máy Nhiệt điện và các công ty khác trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, do tư tưởng “ăn xổi ở thì” nên thanh niên địa phương chỉ chú trọng đi làm thuê kiếm tiền; trình độ hạn chế nên kém sức cạnh tranh trong thị trường lao động.
Tình trạng thiếu việc làm gây ra hệ lụy lớn là vào lúc cao điểm có tới trên 300 người đi làm thuê theo thời vụ bên Trung Quốc với các công việc khác nhau như tu bổ rừng, chặt cây, làm mía… Tình trạng này cứ kéo dài hết vụ này sang vụ khác, hết năm này sang năm khác gây nên tình trạng phức tạp về an ninh trật tự và nhiều khi bà con ta chịu nhiều thiệt thòi. Đến nay đã có hơn 10 trường hợp ở lại lấy chồng bên đó, gây nên nhiều cảnh đau lòng như vợ bỏ chồng, mẹ bỏ con…mà hậu quả xã hội địa phương phải giải quyết. Sức ép việc làm, thu nhập không chỉ ở lứa tuổi lao động, mà ảnh hưởng ngay đến lứa tuổi thiếu niên đang ngồi trên ghế nhà trường. Nêu trường hợp em Hoàng Văn Bằng ở thôn Khuổi Tà đang học dở lớp 7 phải bỏ học đi theo bố mẹ sang Trung Quốc làm thuê, thầy giáo hiệu trưởng trường THCS bán trú không khỏi ái ngại, lo lắng cho tương lai của các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Về vấn đề này, ông Chủ tịch UBND xã nói rằng, địa phương đã có nhiều hội nghị, đề ra nhiều giải pháp chống tình trạng người địa phương vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê; cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể địa phương đã đi đến từng thôn bản để giáo dục, động viên, song kết quả không được như mong muốn. Ghi nhận tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị địa phương song chúng tôi hiểu rằng, tinh thần và sự nỗ lực đó chưa đủ mạnh để “giữ chân” người lao động ở lại quê hương lao động sản xuất. Trò chuyện với chị Nông Thị H. ở Bản Chành, chị nói rằng, nhà có vài sào ruộng, vài sào nương, năm nay ngô trồng ít, thuốc lá không trồng, vậy không đi làm thuê thì lấy đâu ra tiền để trang trải. Miệng đói thì cái chân phải đi, đi đâu cũng được, làm gì cũng được, miễn là có thu nhập chính đáng.
Giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng người lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê chính là đầu tư cơ sở hạ tầng: điện, đường… đủ để tạo “cú hích” về phát triển. Mặt khác, các doanh nghiệp ở Na Dương cần ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào các xã lân cận, trong đó có Lợi Bác vào làm việc, điều đó sẽ tạo động cơ học lên cho thanh niên. Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở Lợi Bác và huyện Lộc Bình đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để người dân có thể khai thác tốt tiềm năng, đẩy nhanh công cuộc xóa nghèo bền vững trên chính vùng đất này chứ không thể bằng cách cạo nhựa thông chưa đến tuổi khai thác và đi làm thuê nơi xứ người.
Ý kiến ()