Xã hội hoá xây dựng Đền Chi Lăng: Góp phần phát huy giá trị lịch sử
– Chi Lăng, vùng đất ghi đậm những chiến công oai hùng gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn thế kỷ XV. Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc với tiền nhân và giáo dục truyền thống yêu nước, đền thờ Chi Lăng đã được triển khai xây dựng.
Lãnh đạo UBND tỉnh khảo sát thực tế tại đền Chi Lăng, huyện Chi Lăng
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Chi Lăng luôn gắn liền với sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, nơi ghi dấu tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta. Với ý nghĩa và những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, quân sự như vậy, việc xây dựng đền thờ Chi Lăng và phát triển thành một khu di tích tiêu biểu, giáo dục lịch sử truyền thống địa phương là rất quan trọng.
Công trình mang ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc
Theo các tài liệu lịch sử ghi chép lại, thời kỳ phong kiến, vùng đất này ghi dấu nhiều chiến công của cha ông ta với 2 lần chống quân Tống (năm 981 và năm 1077), 2 lần chống quân Nguyên – Mông xâm lược (năm 1285 và 1287)… Đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng năm 1427, quân và dân ta đã lập nên chiến công vang dội, tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy.
Tiến sỹ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh cho biết: Chiến thắng Chi Lăng là khúc ca hùng tráng biểu thị ý chí độc lập, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của dân tộc ta. Với ý nghĩa và những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, quân sự, năm 1962 Khu di tích Lịch sử Chi Lăng đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, năm 2019 được công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, Khu di tích lịch sử Chi Lăng gồm 52 điểm di tích – trong đó 24 điểm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, trong hệ thống các di tích văn hóa – lịch sử hiện có tại khu di tích Chi Lăng, số lượng di tích văn hóa – tâm linh còn khá “khiêm tốn”, chỉ có 3/52 điểm là đền Quan Nàng, đền Mỏ Bạo và đền Hổ Lai. Sự hạn chế về số lượng và quan trọng hơn, hoạt động văn hóa – tâm linh tại 3 địa điểm này chưa truyền tải đầy đủ thông điệp về một chiến thắng lịch sử, về sự trí dũng của cha ông, chưa đáp ứng được nhu cầu tâm linh của khách tham quan khi đến với Khu di tích.
Ngày 11/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 652/QĐ-UBND về việc xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Khu di tích Chi Lăng có tổng diện tích 50 ha, gồm các công trình: bảo tàng, tượng đài, đền thờ, các dịch vụ du lịch giải trí, cảnh quan dự trữ phát triển… Trong đó xác định việc xây dựng đền Chi Lăng là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan trọng. Đây cũng là dự án trọng điểm nằm trong đề án, bởi đền Chi Lăng là biểu tượng về sự tri ân, tình cảm của Nhân dân Lạng Sơn đối với các bậc tiền nhân, anh hùng nghĩa sỹ, các thế hệ ông cha đi trước và là một công trình văn hoá có ý nghĩa chính trị, lịch sử sâu sắc của tỉnh và huyện Chi Lăng.
Dự án đền Chi Lăng được xây dựng trên khu vực hồ Bãi Hào, xã Chi Lăng và được chia làm hai giai đoạn đầu tư (giai đoạn 1, thực hiện trong thời gian từ năm 2019 đến 2020: xây dựng đền thờ chính; giai đoạn 2 xây dựng các hạng mục còn lại). Theo đó, tháng 5/2019, đền Chi Lăng chính thức được khởi công xây dựng giai đoạn 1 với đền thờ chính được thiết kế tại vị trí cao nhất, có cao độ 83,4 m, chính giữa trục thần đạo, trên một cấp sân rộng 2.000 m2, có mặt bằng hình chữ Tam, gồm ba tòa Tiền chế – Trung cung – Hậu cung. Hiện nay, giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành với tổng kinh phí xã hội hóa trên 31 tỷ đồng.
Hiện tại, dự án đang thực hiện giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư dự kiến trên 37 tỷ đồng, gồm 8 hạng mục như: lát sân hoàn thiện, bậc cấp, lan can, bó vỉa, hoàn thiện phần điện tổng thể kéo vào khu đền, phần cấp thoát nước tổng thể, san nền giật cấp tạo mặt bằng, cảnh quan cây xanh; nội thất đền và hệ thống điện trong khu vực đền chính…
Đại diện lãnh đạo Vietcombank Chi nhánh Lạng Sơn (ở giữa) trao biểu trưng hỗ trợ kinh phí xây dựng đền Chi Lăng cho lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Chi Lăng
Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hoá
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, UBND tỉnh đã thành lập Ban Vận động huy động nguồn lực xã hội xây dựng đền Chi Lăng tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ liên quan. Các cơ quan thành viên đã tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, vận động các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh tham gia ủng hộ, đóng góp kinh phí để xây dựng đền.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí của tỉnh đã phát sóng, đăng tải 450 thông tin trên các bản tin và chương trình thời sự tổng hợp hằng ngày; hơn 130 tin, bài trên báo in, báo điện tử về quảng bá, vận động, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng đền Chi Lăng; tiến độ xây dựng, danh mục các hạng mục đang kêu gọi ủng hộ; ý nghĩa lịch sử, truyền thống cách mạng của vùng đất Chi Lăng…
Về phía huyện Chi Lăng, UBND huyện đã tiến hành các bước trình tự thủ tục về đầu tư theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập phương án giải phóng mặt bằng, thẩm định phê duyệt diện tích đất thu hồi trên 1.800 m2 với tổng mức dự toán nguồn vốn thực hiện trên 37 tỷ đồng; trong đó Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro hỗ trợ 20 tỷ đồng; số còn lại là nguồn đối ứng của địa phương.
Nhằm huy động nguồn lực để xây dựng công trình, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Chi Lăng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động ủng hộ quỹ xây dựng đền. Tính từ năm 2020 đến nay, Ủy ban MTTQ huyện Chi Lăng đã tiếp nhận ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện với tổng trị giá gần 473 triệu đồng. Quá trình vận động, các cấp, ngành, MTTQ các cấp, đoàn thể trên địa bàn huyện còn tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình đền Chi Lăng để các tầng lớp Nhân dân hiểu và tiếp tục ủng hộ nguồn lực xây dựng.
Việc huy động nguồn lực để hoàn thiện đền Chi Lăng có ý nghĩa to lớn với Nhân dân Lạng Sơn, đây là công trình văn hóa tâm linh có ý nghĩa lịch sử, chính trị, là nơi để thế hệ hôm nay và mai sau thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân.
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Với truyền thống về bề dày lịch sử vốn có, đền Chi Lăng là công trình có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của Nhân dân Xứ Lạng, thể hiện sự tôn kính, khắc ghi công ơn của các bậc hiền tài, nghĩa sỹ và người dân đã chiến đấu anh dũng, hy sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng, qua đó khơi dậy, cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Việc huy động xã hội hoá để xây dựng công trình Đền Chi Lăng là một việc làm rất ý nghĩa, cần sự chung sức, đồng lòng phát tâm ủng hộ của các nhà hảo tâm để đền hoàn thiện sớm đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chung của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, cũng như Nhân dân cả nước và tạo tiền đề để tiếp tục hoàn thiện, phát huy giá trị các phân khu chức năng khác trong Khu di tích lịch sử Chi Lăng.
Dự án đền Chi Lăng được xây dựng trên khu vực hồ Bãi Hào, xã Chi Lăng và được chia làm hai giai đoạn đầu tư (giai đoạn 1, thực hiện trong thời gian từ năm 2019 đến 2020: xây dựng đền thờ chính; giai đoạn 2 xây dựng các hạng mục còn lại). Hiện nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng kinh phí xã hội hóa trên 31 tỷ đồng. Hiện tại, dự án đang thực hiện giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư dự kiến trên 37 tỷ đồng. Để có thể triển khai giai đoạn 2, hoàn thiện công trình đền Chi Lăng, rất cần sự chung tay đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài tỉnh. |
TUYẾT MAI – HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()