Xã hội hóa sách giáo khoa và giá sách giáo khoa: Nhìn nhận từ lợi ích cộng đồng
Những ngày gần đây, trên khắp các diễn đàn, giá sách giáo khoa mới luôn được phản ánh cao hơn mặt bằng giá sách hiện hành 2-3 lần…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xem xét quyết định bốn chuyên đề giám sát, một trong bốn chuyên đề đó là: Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Điều này chứng tỏ nhân dân và Quốc hội hết sức quan tâm đến vấn đề chương trình và SGK.
Trong bối cảnh đó, phóng viên muốn đề cập đến một vấn đề quan trọng của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, đó là vấn đề xã hội hóa SGK và giá SGK với những suy nghĩ từ góc độ lợi ích cộng đồng xã hội.
Chủ trương xã hội hóa SGK của Nhà nước
Xã hội hóa (XHH) SGK là một chủ trương mới trong xuất bản SGK phục vụ ngành giáo dục. Đây là chủ trương có tính đột phá, bởi đã thay đổi việc xuất bản SGK theo cơ chế độc quyền vốn đã tồn tại từ trước đến nay. Được biết, thực hiện chủ trương trên, từ năm 2017 trở đi, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam và các NXB khác cũng được cấp phép xuất bản SGK.
Điểm g, mục 3, điều 2 của Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội nêu rõ: “Thực hiện XHH biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Khi có nhiều SGK, việc lựa chọn SGK của giáo viên và học sinh được tổ chức thực hiện như thế nào? Về vấn đề này, nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có trách nhiệm “hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông”. “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”.
XHH tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia vào việc biên soạn xuất SGK; tạo ra sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả sách, các NXB có được những bộ sách có chất lượng tốt và giá rẻ.
Đối với lớp 10 có hai mức giá nhỏ nhất (min) và lớn nhất (max) ứng với các tình huống lựa chọn SGK thuộc 3 nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật theo quy định của chương trình. |
Từ lâu, SGK đã được xem là một loại hàng hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng xã hội. Hằng năm, trước mỗi năm học mới, SGK lại trở thành tâm điểm bàn luận. Để “sốt sách”, thiếu sách phục vụ cho giáo viên và học sinh ở tỉnh này, huyện kia thì trách nhiệm thuộc về NXB Giáo dục – đơn vị trước đây độc quyền xuất bản SGK. Mỗi khi SGK có những điều chỉnh về giá thì lập tức cộng đồng sẽ lên tiếng và NXB Giáo dục và bộ chủ quản lại phải có trách nhiệm giải trình.
Trong bối cảnh ấy, việc xóa bỏ độc quyền SGK đã mang đến nhiều kỳ vọng cho người dân. Chắc hẳn với chủ trương này, sẽ không bao giờ lo thiếu sách, “sốt sách”. Hơn thế, với cơ chế cạnh tranh thì có lẽ giáo viên và học sinh sẽ được hưởng lợi vì SGK sẽ không chỉ phải làm tốt hơn mà phải rẻ hơn.
Những kết quả của việc xã hội hóa SGK
Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều SGK, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có nhiều bộ SGK được ra đời. Bên cạnh những bộ SGK mới của một NXB đã trở nên quen thuộc với giáo viên và học sinh là NXB Giáo dục Việt Nam, bộ SGK Cánh Diều của Công ty CP Đầu tư xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam được coi là điển hình của bộ SGK được xuất bản theo chủ trương XHH.
Trên trang web của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam khẳng định: “Trên thực tế, thực hiện Nghị quyết 88, đã có 3 NXB là NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và một số công ty tư nhân như Đại Trường Phát, VEPIC (Công ty Đầu tư Xuất bản – Thiết bị Giáo dục Việt Nam)… tham gia làm SGK. Với sự tham gia của các đơn vị này, ngay năm đầu tiên đã có 5 bộ SGK cho lớp 1 với 46 đầu sách.
Các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 là các lớp đã và đang thực hiện thay SGK mới. |
Tuy nhiên, có đến 4 bộ SGK lớp 1 là của NXB Giáo dục Việt Nam, mà đúng ra doanh nghiệp này lại thuộc Bộ GD&ĐT nên chỉ có Cánh Diều là bộ sách XHH hoàn toàn và cũng là bộ sách XHH đúng chất đầu tiên… được sản xuất từ công ty tư nhân và các NXB chủ yếu chỉ biên tập nội dung….
Cho đến nay, đều đặn theo lộ trình đổi mới SGK của Bộ GD&ĐT, Cánh Diều đã có các bộ sách Cánh Diều lớp 1 áp dụng từ năm học 2020-2021; bộ sách Cánh Diều lớp 2, lớp 6 áp dụng từ năm học 2021-2022; bộ sách Cánh Diều lớp 3, lớp 7, lớp 10 đang được các cơ sở giáo dục xem xét lựa chọn cho năm học 2022-2023.
Được biết, Cánh Diều hiện chiếm khoảng hơn 20% thị phần SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với một công ty mới thành lập và vừa chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực xuất bản SGK được một vài năm nhưng đã chiếm được một thị phần như vậy cũng là một con số đáng kể.
Kỳ vọng và thực tế
Với bộ sách XHH “đúng chất” đầu tiên đó, giáo viên, học sinh và phụ huynh kỳ vọng những điều gì?
Điều kỳ vọng đầu tiên là chất lượng sách. Chất lượng của bộ sách được thể hiện ở sự đổi mới nội dung và phương pháp dạy học. Căn cứ mục tiêu của việc đổi mới chương trình SGK theo Nghị quyết 88/2014/QH13 thì việc biên soạn, xuất bản SGK phải “nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; (…) góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Năm học vừa kết thúc nhưng các nhà sách đã có nhiều phụ huynh và học sinh đến mua sách chuẩn bị cho năm học mới. |
Như thế, để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 88, việc biên soạn SGK bên cạnh những nội dung kế thừa SGK hiện hành, phải có được sự đổi mới thực sự theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Bộ SGK XHH “đúng chất” đầu tiên đó đã được biên soạn theo hướng đổi mới thực sự chưa?
Vào cuối năm 2019, trong khi đang quảng bá cho bộ SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều với các sở GD&ĐT, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều – phát biểu rằng, với SGK của ông, giáo viên có thể “dạy được ngay, không cần tập huấn”. Đây là một tuyên ngôn “mời gọi” sử dụng sách Cánh Diều vô cùng hấp dẫn, bởi lẽ, một bộ phận không nhỏ giáo viên “ngại” thay đổi, không muốn phải tập huấn, cứ cách dạy quen thuộc ở SGK hiện hành mang ra sử dụng với SGK mới.
Tuy nhiên, tuyên bố trên khiến không ít người giật mình. Nếu cuốn sách không tập huấn mà cũng dạy được thì liệu rằng cuốn sách ấy có đổi mới gì không?
Môn Tiếng Việt là một trong những môn học chính trong chương trình. SGK Tiếng Việt bao giờ cũng là hạt nhân của một bộ sách mới. Tuy nhiên, với thực trạng SGK Tiếng Việt như vậy, cộng đồng xã hội không thể không lo âu.
Bên cạnh đó, giáo viên và học sinh kỳ vọng về giá sách. XHH SGK phải đồng thời tạo ra những bộ sách có giá cả phải chăng, phù hợp với mức sống, thu nhập của người dân. Ấy thế nhưng, theo những thông tin công bố về giá SGK gần đây, SGK Cánh Diều lại đang có giá bán cao hơn khoảng 20% giá SGK của một NXB 100% vốn Nhà nước.
Đối với lớp 10 có hai mức giá nhỏ nhất và lớn nhất ứng với các tình huống lựa chọn SGK thuộc 3 nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật theo quy định của chương trình
Như vậy, chúng ta nhận ra rất rõ sự chênh lệch về giá bán giữa bộ SGK XHH của một công ty cổ phần vốn tư nhân và hai bộ SGK của một NXB 100% vốn Nhà nước.
Có nên có chương trình giám sát đối với các doanh nghiệp tư nhân thực hiện xã hội hóa SGK?
Thiển nghĩ, XHH SGK phải khiến cho SGK XHH tốt hơn và rẻ hơn SGK của doanh nghiệp nhà nước. Nếu XHH SGK để cộng đồng xã hội phải mua những bộ SGK đắt hơn, thì các cơ quan quản lý Nhà nước có nên xem lại về năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh, xuất bản SGK không?
Thử tính toán xem, SGK Cánh Diều với giá bán cao hơn khoảng 20% giá bán SGK của đơn vị Nhà nước, nếu tất cả các cơ sở giáo dục đều mua SGK Cánh Diều thì chi phí mà cộng đồng xã hội phải tăng thêm sẽ là bao nhiêu tỷ đồng mỗi năm?
288,5 tỷ đồng là số tiền mà phụ huynh học sinh cả nước có thể phải trả trong trường hợp tất cả đều mua SGK XHH. Số tiền tăng thêm ấy đương nhiên đều sẽ “đè lên đôi vai” của những người phụ huynh học sinh có con đi học.
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa chuẩn bị cho năm học mới. |
Thiết nghĩ, làm xuất bản phục vụ ngành giáo dục mà chỉ làm sao tối ưu hóa lợi nhuận thì có nên không?
Điều khó hiểu là cho dù giá SGK Cánh Diều đắt hơn, nhưng Cánh Diều vẫn được khá nhiều tỉnh thành lựa chọn mua sử dụng, trong số đó không ít địa phương mà người dân có mức sống, mức thu nhập thấp. Không biết, điều gì đã khiến cho những bộ sách đắt hơn lại được những địa phương có mức thu nhập thấp lựa chọn?
Điều khó hiểu nữa là trong bối cảnh rất nhiều diễn đàn báo chí dư luận xã hội lên tiếng về vấn đề giá SGK, hầu như mọi ý kiến đều chỉ hướng vào SGK của NXB Giáo dục Việt Nam mà quên rằng, theo chủ trương một chương trình nhiều SGK, hiện có đến 7 NXB được cấp phép xuất bản SGK. Bộ SGK XHH “đúng chất” đầu tiên được bán đắt hơn SGK của đơn vị Nhà nước đến 20% nhưng hầu như không ai để ý tới.
Có ý kiến bày tỏ sự quan ngại rằng, rồi đây việc XHH SGK sẽ không được thành công; lo lắng rằng những bộ SGK XHH sẽ bị các bộ SGK của doanh nghiệp nhà nước lấn át và rồi SGK lại quay lại độc quyền.
Phá thế độc quyền, xã hội hóa SGK phải làm sao có những bộ SGK rẻ hơn.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()