Xã hội hóa - nguồn lực của giáo dục
Thực hiện chính sách xã hội hóa, bà Hoàng Thị Quyên, đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng trường mầm non tại khối 4 phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn |
Người dân chủ động tham gia
Từ năm học 2010- 2011 đến năm học 2015-2016, Trường Tiểu học xã Bảo Lâm (Cao Lộc) đã huy động được 345 triệu đồng, 13 tấn xi măng, 22 khối đá và hàng ngàn ngày công từ phụ huynh và các đơn vị trên địa bàn để làm đường vào 3 điểm trường lẻ, lát sân trường, khoan 2 giếng, cải tạo nhà cấp 4, xây thêm bếp và nhà ăn, làm sân khấu… Qua đó góp phần đảm bảo nơi ăn, ở, sinh hoạt, cải thiện môi trường sư phạm ở từng điểm trường. Cô giáo Đặng Thị Hồng Na, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: số tiền, vật phẩm, ngày công huy động như vậy là cao so với một xã biên giới chỉ có trên 700 hộ dân và tỷ lệ nghèo vẫn còn tới 20,3% (năm 2016); song người dân không cảm thấy “gánh nặng” XHH. Nguyên nhân là nhà trường đã trưng cầu ý kiến phụ huynh, giải thích cho họ hiểu tác dụng của sự đóng góp đối với chính con em mình; mặt khác, nhà trường đã công khai, minh bạch trong XHH, sử dụng có hiệu quả nguồn đóng góp hỗ trợ và nhất là tránh sai lầm giữa XHH và tình trạng lạm thu.
Không thụ động nộp các khoản đóng góp mà người dân đã có ý thức và khả năng tham gia cùng nhà trường trong các hoạt động phối hợp giáo dục. Chính sự phối hợp này mà vai trò của Ban đại diện hội cha mẹ học sinh được nâng cao, ý kiến của phụ huynh được tôn trọng. Ông Nguyễn Văn Quý, đại diện Hội Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học 2 thị trấn Chi Lăng (Chi Lăng) cho rằng: Ban đại diện được cùng nhà trường xây dựng kế hoạch hoạt động, cùng nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục; qua đó hiểu được những khó khăn về các mặt và thấy cần thiết phải huy động sự đóng góp để khắc phục.
Theo cách thức ấy, trong 3 năm qua, toàn ngành đã huy động từ người dân số tiền trên 30 tỷ đồng, hàng chục vạn ngày công để tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất (CSVC); hỗ trợ học sinh học tập. Người dân cũng hiến hàng vạn mét vuông đất để các nhà trường mở mang, xây dựng phòng học, các phòng chức năng và làm sân chơi bãi tập cho học sinh.
Trách nhiệm xã hội của cơ quan, đơn vị
Được duy trì thường xuyên, phong trào “Hũ gạo tình thương” do Công đoàn ngành GD&ĐT phát động đã thu được trên 5 tỷ đồng, 150 tấn gạo, giúp đỡ trực tiếp trên 50.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tới trường.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong 3 năm qua, danh sách các cơ quan, đơn vị ủng hộ cho GD&ĐT luôn được bổ sung. Điển hình, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt ủng hộ trên 20 tỷ đồng xây dựng Trường THCS Mai Sao (Chi Lăng); Tập đoàn dầu khí Quốc gia ủng hộ trên 29 tỷ đồng xây dựng 4 trường trên địa bàn tỉnh; Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT tài trợ 26 tỷ đồng xây dựng Trường bán trú Tri Lễ, Trường Mầm non xã Tràng Phái (Văn Quan), Trường THPT Bình Gia; sự hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn để mua sắm trang thiết bị; Sở Ngoại vụ vận động các tổ chức phi chính phủ đóng góp trên 179.600 USD… là nguồn lực to lớn để các nhà trường tăng cường CSVC. Bà Đặng Thị Dung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp& PTNT Lạng Sơn cho rằng: “Dành một phần lãi để chia sẻ cho giáo dục, vừa là thực hiện trách nhiệm xã hội, vừa là nâng đỡ cho một ngành đang ươm mầm tương lai- những khách hàng tiềm năng của ngân hàng”.
Ngoài việc giúp ngành tăng cường CSVC, các cơ quan đơn vị còn trực tiếp giúp đỡ học sinh. Chi nhánh Viettel Lạng Sơn và Hội Khuyến học tỉnh tặng 3,3 tỷ đồng giúp 3.300 học sinh nghèo; Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ huy động ủng hộ 20 tỷ đồng; với chương trình “Nâng bước chân em tới trường”, các đơn vị thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã nhận đỡ đầu 53 học sinh có hoàn cảnh khó khăn học đến hết phổ thông… Đó là sự giúp đỡ có ý nghĩa đối với ngành GD&ĐT, nhằm chống tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.
Ý kiến ()