Xã hội hóa nghề rừng: Động lực thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp
LSO-Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 đã qua hơn nửa chặng đường. Trong những thành tựu chung mà cả tỉnh đã đạt được thời gian qua, kinh tế rừng đã có những bước phát triển nhanh chóng, trong đó xã hội hóa nghề rừng được coi là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế lâm nghiệp.
LSO-Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 đã qua hơn nửa chặng đường. Trong những thành tựu chung mà cả tỉnh đã đạt được thời gian qua, kinh tế rừng đã có những bước phát triển nhanh chóng, trong đó xã hội hóa nghề rừng được coi là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế lâm nghiệp.
Đồng chí Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (bên trái) và đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trồng cây lưu niệm cho trường học trên địa bàn thành phố Lạng Sơn |
Trong giai đoạn 2006-2010, mỗi năm Lạng Sơn trồng mới được trên 11.000ha rừng, nhưng thực chất tỷ lệ xã hội hóa là không nhiều. Các diện tích trồng mới hầu hết dựa vào ngân sách của trung ương và địa phương, ước tính trên 30 tỷ đồng mỗi năm, thông qua các dự án, chính sách trồng rừng, đặc biệt là dự án trồng rừng 661. Bước sang năm 2011, dự án trồng rừng 661 kết thúc, điều này đồng nghĩa với việc không còn hàng chục tỷ đồng cho trồng rừng. Trong thời điểm đó, nguồn ngân sách trung ương phân bổ chỉ dừng lại ở con số 10 tỷ đồng dành cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, số này tính toán cặn kẽ, thì chỉ vừa đủ chi trả cho công tác phát triển lâm nghiệp của năm 2010. Theo ước tính, để hoàn thành kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015, mỗi năm toàn tỉnh phải trồng mới từ 8.000-8.500ha rừng.
Trong chỉ tiêu trồng mới 8.000ha rừng của năm 2011, chỉ có 3.000ha trồng cây phân tán là có nguồn vốn của tỉnh, còn lại 5.000ha hoàn toàn phụ thuộc vào công tác xã hội hóa. Trong số này, các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng trên địa bàn rất ít được kỳ vọng, bởi qua theo dõi hàng năm, các doanh nghiệp này chỉ có khả năng trồng mới được vài trăm ha. Tiếp theo là trồng rừng từ vay vốn ưu đãi theo quyết định số 39 của UBND tỉnh. Nhớ lại, chính sách này được UBND tỉnh ban hành từ năm 2008, nhưng trong những năm 2008-2011, quá trình triển khai thực hiện còn rất nhiều bất cập, kết quả đạt được là chưa cao. Mọi phương án hầu như rơi vào bế tắc. Thế nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực trong triển khai thực hiện của các cấp, ngành và đặc biệt là sự hưởng ứng của nhân dân các địa phương, vụ trồng rừng năm 2011 đã đạt trên 8.700ha, vượt 9% so với kế hoạch. Trong đó đây là lần đầu tiên các huyện đã chắt chiu, dành dụm nguồn lực bổ sung cho chương trình trồng cây phân tán, trong khi đó nhân dân đã tự đầu tư trồng mới đạt con số kỷ lục, hơn 2.600ha. Phần còn lại là trồng rừng từ nguồn vốn ưu đãi và hơn 900 ha từ nguồn vốn trồng rừng 661 kết dư của năm 2010. Ông Lâm Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển lâm nghiệp khẳng định: phong trào xã hội hóa trong năm 2011 thực sự là điểm nhấn quan trọng trong công tác trồng rừng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế lâm nghiệp. Nếu như trước kia việc tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn ưu đãi trồng rừng gặp nhiều khó khăn, thì nay kết quả mang lại rất khả quan. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh đã có 2.301 dự án trồng rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó có 2.298 hộ gia đình và 3 tổ chức được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất với tổng số vốn được phê duyệt gần 62 tỷ đồng, tổng diện tích trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả theo dự án được phê duyệt là 7.323,5ha.
Phát huy thắng lợi đó, trong năm 2012 và 2013, tuy chỉ tiêu trồng rừng tăng lên, nhưng toàn tỉnh đều thực hiện vượt kế hoạch từ 10-25% kế hoạch. Trong đó tỷ lệ nhân dân tự đầu tư trồng rừng năm nào cũng vượt con số 2.000ha. Trong toàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng rừng kinh tế như Lộc Bình, Đình Lập, Chi Lăng, Hữu Lũng… giá trị từ gỗ nguyên liệu cho đến sản phẩm phụ đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, mang lại thu nhập lớn cho người nông dân. Bước sang năm 2014, Lạng Sơn đặt mục tiêu trồng mới 9.500ha rừng. Theo tính toán của Chi cục Phát triển lâm nghiệp, nếu phát huy được những kết quả trong những năm qua thì chỉ tiêu này không có gì đáng ngại.
Mục tiêu hiện nay là song song với trồng mới, Lạng Sơn đang dần chuyển sang trồng rừng hỗn giao và tăng cường triển khai các mô hình nông lâm kết hợp với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, vừa nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế của rừng, vừa đảm bảo phát triển bền vững. Đây cũng chính là định hướng chỉ đạo của đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong hội nghị triển khai sản xuất đông xuân vừa qua. Trong đó việc đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng vẫn là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()