LSO-Từ điểm xuất phát thấp lại tiến hành phổ cập trong một thời gian ngắn, ngành GD&ĐT đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để tạo nguồn lực cho việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, trong đó công tác xã hội hóa (XHH) mang ý nghĩa quan trọng.
Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 11/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, Nghị quyết của HĐND tỉnh và các Kế hoạch của UBND tỉnh đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và chính quyền địa phương trong một nỗ lực chung. Từ đó, ban hành các văn bản chỉ đạo, xác định rõ mục tiêu phổ cập trong các nghị quyết của các chi đảng bộ và chương trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Vì vậy, các sáng kiến của nhiều nhà trường đã được ủng hộ và nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết.
Học sinh mầm non xã Vạn Thủy (Bắc Sơn) trong giờ vệ sinh cá nhân
Từ công tác tuyên truyền sâu rộng, cấp ủy, chính quyền và ngành giáo dục huyện Văn Quan đã nâng cao nhận thức của người dân, huy động họ vào cuộc một cách tích cực và hiệu quả. Chỉ riêng 9 gia đình ở các xã Trấn Ninh, Xuân Mai, Đại An, Vĩnh Lại, Vân Mộng, Bình Phúc đã hiến 6812 m2 đất để xây dựng trường mầm non. Là một xã đặc biệt khó khăn, nhưng vì sự nghiệp giáo dục, chính quyền và nhân dân xã Hữu Lễ đã đóng góp trên 8,6 triệu đồng xây bếp ăn cho các cháu. Phụ huynh xã Trấn Ninh cho mượn nhà mình để làm lớp học; đóng góp 50 ngàn đồng/ người để hỗ trợ các cháu học sinh bán trú, góp 83 công đóng phản ngủ và tu sửa lớp học. Người dân xã Văn An, Bình Phúc, Yên Phúc…cho các nhà trường mượn nơi nấu ăn. Cán bộ công chức trên địa bàn xã Tân Đoàn huy động được 30 triệu đồng, mỗi hộ dân góp 50 ngàn đồng để cùng với ngành giáo dục xây dựng bếp ăn một chiều cho trường mầm non. Báo cáo sau 2 năm thực hiện phổ cập GDMN tại địa phương, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho rằng, nếu không có sự tham gia của người dân, công tác phát triển GDMN nói chung và phổ cập cho trẻ em 5 tuổi nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì bước vào phổ cập, Văn Quan thiếu đủ thứ, từ đất đai cho trường lớp đến CSVC trang thiết bị dạy học đến đội ngũ cô nuôi dạy trẻ.
Không chỉ riêng ở Văn Quan, là một huyện còn rất nghèo, với trên 115 triệu đồng tiền đóng góp của phụ huynh học sinh và nhân dân, huyện Bình Gia đã góp phần tạo dựng CSVC để đảm bảo CSVC cho các cháu. Điển hình là thị trấn Bình Gia với 35 triệu đồng, xã Tô Hiệu 24 triệu đồng; các xã nghèo như Mông Ân, Thiện Thuật cũng thu được hàng chục triệu đồng. Cơ sở vật chất như nhà cửa, đất đai, tiền nong… có thể đo đếm được. Song tình cảm của người dân đối với giáo dục nói chung và cấp học mầm non nói riêng luôn được thể hiện rất rõ. Hình ảnh những bà, những chị thay phiên nhau gánh nước, nấu cơm cho các cháu đã gây xúc động cho nhiều cô giáo và các bậc phụ huynh, khiến họ không thể không góp một chút gì đó cho giáo dục mầm non.
“Góp gió thành bão”, nếu 7 hộ gia đình ở huyện Bắc Sơn hiến trên 6.600m2 đất để có đất dựng trường; ngành giáo dục Bắc Sơn tiết kiệm chi 1,2 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, thì các ban ngành, đoàn thể và người dân trong huyện đóng góp trên 65 triệu đồng và hơn 1200 ngày công trị giá 60 triệu đồng để xây nhà vệ sinh, tu sửa lớp học, bếp ăn cho các nhà trường.
Kết quả bước đầu trong công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở tất cả 11 huyện, thành phố đều có dấu ấn sự đóng góp của nhân dân, các hội, các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp; họ chính là một phần của sự phát triển. Vấn đề là ngành giáo dục, cấp ủy và chính quyền các cấp nên có những hình thức động viên, khuyến khích kịp thời để nhân rộng phong trào. Đối với các địa phương có các hộ hiến đất, ngành giáo dục đã linh hoạt nhận con em các gia đình này cho đi bồi dưỡng để vào làm việc trong các nhà trường như làm nhân viên nấu ăn, bảo vệ. Tuy vậy, sự ghi nhận ấy vẫn chưa xứng với công lao và sự đóng góp vô giá của người dân. Trong hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã gợi ý cho ngành giáo dục cần có sự động viên kịp thời và thiết thực cho những hộ gia đình đã hiến đất xây dựng trường học nói riêng và đóng góp cho GDMN nói chung. Được như vậy, công tác XHH giáo dục ở tỉnh ta sẽ rộng hơn, sâu hơn, thiết thực hơn.
Ý kiến ()