Xã hội hóa - Đòn bẩy phát triển giáo dục tại địa bàn
- Từ năm học 2013-2014 đến nay, xã hội hóa giáo dục (XHHGD) đã trở thành chìa khóa quan trọng, không chỉ giúp cải thiện đáng kể cơ sở vật chất mà còn mở ra cơ hội học tập tốt hơn cho học sinh, tạo động lực để các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay xây dựng phát triển giáo dục, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng trong tỉnh còn chênh lệch, ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn... thì việc XHHGD, huy động nguồn lực từ Nhân dân được xem là giải pháp tích cực giúp ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người”. Năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 23/5/2013 về đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) các hoạt động giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường, trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Chỉ thị 23). Từ đó, việc huy động XHHGD đã được ngành giáo dục tỉnh chú trọng triển khai như một chiến lược dài hạn nhằm huy động các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách vào phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục
Thực hiện Chỉ thị 23, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị giáo dục, trường học đẩy mạnh công tác XHHGD; chú trọng công tác tuyên truyền, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về vai trò của mình trong việc đóng góp xây dựng phát triển giáo dục. Đặc biệt, các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư vào giáo dục được ngành GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND các cấp cải cách, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tài trợ đầu tư cho giáo dục. Điều này giúp việc triển khai XHH không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh mà còn lan tỏa sâu rộng tới cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là ở những vùng khó khăn. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn lực XHHGD cũng được ngành GD&ĐT phối hợp thực hiện chặt chẽ, đảm bảo mọi nguồn lực huy động đều được sử dụng đúng mục đích, đúng trọng tâm và mang lại hiệu quả cao.
Cùng với đó, để triển khai công tác XHHGD một cách hiệu quả, ngành GD&ĐT đã áp dụng cách làm sáng tạo, đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với thực tế. Cụ thể, các trường, các đơn vị giáo dục tập trung phân tích, đánh giá nhu cầu cụ thể về cơ sở vật chất, trang thiết bị và các chương trình hỗ trợ học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực sát thực tế, khả thi. Các kế hoạch này được triển khai thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, mời gọi sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông, tận dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để giới thiệu, lan tỏa những mô hình XHHGD điển hình, những câu chuyện thành công, nhằm tạo động lực, khích lệ sự tham gia của cộng đồng.
Ngoài ra, ngành GD&ĐT còn chú trọng tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực XHH một cách hiệu quả. Các hoạt động giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất được thực hiện nghiêm túc với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn và đại diện hội cha mẹ học sinh để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhờ cách làm này, công tác XHHGD không chỉ giúp cải thiện cơ sở vật chất mà còn góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và chất lượng, đặc biệt là tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Tại Trường Tiểu học và THCS xã Thụy Hùng (huyện Văn Lãng), thông qua kêu gọi, nhà trường được Công an tỉnh kết nối với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Công ty TNHH Tiến Minh để hỗ trợ XHHGD, trước thềm năm học 2024 - 2025, trường đã được xây dựng thêm 2 phòng học kiên cố với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Qua đó, không chỉ giải quyết bài toán thiếu phòng học mà còn mang lại niềm vui, động lực học tập cho học sinh. Cô Hà Thị Kiều, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm học trước, trường chỉ có 10 phòng học không đáp ứng đủ nhu cầu lớp học của học sinh nhà trường, đến năm 2024, thông qua qua việc huy động của ngành giáo dục, nhà trường được xây dựng thêm 2 phòng học từ nguồn hỗ trợ XHHGD của các doanh nghiệp. Việc triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, kịp thời cho năm học mới 2024 - 2025, giúp trường đảm bảo việc tổ chức hoạt động dạy học cho hơn 240 học sinh đang theo học.
Không chỉ dừng lại ở các công trình nhỏ lẻ, nhiều dự án lớn đã được thực hiện, tạo ra những bước đột phá trong việc xây dựng cơ sở giáo dục khang trang. Điển hình là Trường Tiểu học và THCS Thống Nhất (huyện Lộc Bình). Thông qua kêu gọi XHHGD, nhà trường được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn) hỗ trợ 5 tỷ đồng, cùng hơn 2 tỷ đồng đối ứng của huyện Lộc Bình để xây dựng trường học. Công trình khởi công từ tháng 11/2020 và hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 9/2021 với quy mô 3 tầng, tổng diện tích xây dựng 400 m2, gồm 12 phòng học, 6 phòng vệ sinh khép kín và các hạng mục phụ trợ cùng hệ thống đèn chiếu sáng. Công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh mà còn trở thành biểu tượng cho sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền và các doanh nghiệp cho sự nghiệp giáo dục.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 23 về đẩy mạnh XHHGD trên địa bàn tỉnh, công tác huy động nguồn lực XHH thông qua đóng góp, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho phát triển GD&ĐT đã đạt được những kết quả nhất định, làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức và người dân về ý nghĩa, mục đích, vai trò của công tác XHHGD; huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Qua đó đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Trong hơn 10 năm qua, toàn ngành đã huy động được hơn 129 tỷ đồng từ xã hội cùng với các khoản huy động, tài trợ khác là 122 tỷ đồng, để phát triển giáo dục. Nhờ đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 421 phòng học kiên cố và 51 phòng công vụ giáo viên, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố từ 59,2% năm 2013, đến nay tăng lên trên 82%, giúp hàng nghìn học sinh được học tập trong môi trường an toàn, hiện đại hơn...
Tạo sự thay đổi trong công tác giáo dục
Từ chủ trương XHHGD, hệ thống các trường học ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh. Hiện toàn tỉnh có 650 trường học, trong đó có gần 300 trường đạt trường chuẩn quốc gia, góp phần vào mục tiêu xây dựng trường, lớp ngày càng khang trang, sạch, đẹp, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập, rèn luyện. Không chỉ cải thiện cơ sở vật chất, XHHGD còn tạo ra những thay đổi tích cực trong phổ cập giáo dục, huy động học sinh đến trường. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, trong 10 năm qua công tác phổ cập giáo dục của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực ở cả 3 cấp: mầm non, tiểu học và THCS. Cụ thể, hiện nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Đối với cấp THCS, 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập mức độ 2; tỉ lệ duy trì kết quả đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS đạt 100%...
Kết quả trên đây giúp ngành giáo dục triển khai thuận lợi và hiệu quả công tác đổi mới giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng các mặt giáo dục, nhất là giáo dục mũi nhọn. Cụ thể, từ năm học 2016 - 2017 đến nay, mỗi năm cả tỉnh có trên 1.000 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; tính riêng năm học 2023 - 2024 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 2.100 học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh gỏi các môn văn hóa cấp tỉnh. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận với môi trường học tập đạt chuẩn, mở ra cơ hội phát triển toàn diện.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: XHHGD đã góp phần cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, vẫn còn một số hạn chế như sự chênh lệch trong mức độ tham gia giữa các khu vực và công tác giám sát chưa đồng bộ. Trong thời gian tới, sở sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa các mô hình tiêu biểu để thu hút sự tham gia của cộng đồng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà tài trợ; tăng cường giám sát, minh bạch trong quản lý nguồn lực; đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình XHHGD phù hợp với đặc thù từng địa phương... nhằm đảm bảo sự hiệu quả của XHHGD trong việc xây dựng nền giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh.
XHHGD là chủ trương đúng đắn, góp phần huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Đặc biệt, với sự triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh XHHGD kêu gọi đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy. Với định hướng rõ ràng và sự chung sức của toàn xã hội, XHHGD sẽ tiếp tục là động lực mạnh mẽ để giáo dục Lạng Sơn không ngừng vươn lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập trong thời kỳ mới.
Ý kiến ()