LSO-Trước nay người ta vẫn cứ nói công tác xã hội hóa nghề rừng của Lạng Sơn đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trên thực tế thì quả thực phong trào trồng cây nhân dân ngày càng được nhân rộng, nhận thức được tầm quan trọng và giá trị kinh tế của rừng, nhiều gia đình và các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, đó là bước khởi đầu của xã hội hóa. Nhưng hiện công tác xã hội hóa đó đã đến được những đâu, sức lan tỏa ra sao? Quay lại những vụ trồng rừng của các năm trước, mỗi năm Lạng Sơn đều hoàn thành vượt chỉ tiêu trồng mới 11.000 ha rừng, đó là còn chưa kể khoanh nuôi, tái sinh rừng, tuy nhiên trong số diện tích trồng mới đó tỷ lệ xã hội hóa là không nhiều, mỗi năm nhà nước vẫn phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho trồng rừng kể cả từ ngân sách Trung ương và địa phương. Huyện Bình Gia ra quân trồng cây đầu xuânBước sang vụ trồng rừng năm 2011, dự án 661 kết thúc, đồng nghĩa với việc nhiều tỷ đồng ngân...
LSO-Trước nay người ta vẫn cứ nói công tác xã hội hóa nghề rừng của Lạng Sơn đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Trên thực tế thì quả thực phong trào trồng cây nhân dân ngày càng được nhân rộng, nhận thức được tầm quan trọng và giá trị kinh tế của rừng, nhiều gia đình và các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, đó là bước khởi đầu của xã hội hóa. Nhưng hiện công tác xã hội hóa đó đã đến được những đâu, sức lan tỏa ra sao? Quay lại những vụ trồng rừng của các năm trước, mỗi năm Lạng Sơn đều hoàn thành vượt chỉ tiêu trồng mới 11.000 ha rừng, đó là còn chưa kể khoanh nuôi, tái sinh rừng, tuy nhiên trong số diện tích trồng mới đó tỷ lệ xã hội hóa là không nhiều, mỗi năm nhà nước vẫn phải đầu tư hàng chục tỷ đồng cho trồng rừng kể cả từ ngân sách Trung ương và địa phương.
|
Huyện Bình Gia ra quân trồng cây đầu xuân |
Bước sang vụ trồng rừng năm 2011, dự án 661 kết thúc, đồng nghĩa với việc nhiều tỷ đồng ngân sách Trung ương cấp cho trồng rừng không còn, đó là một khó khăn lớn mà ngành lâm nghiệp Lạng Sơn đã xác định được ngay từ cuối năm 2010. Năm 2011, chỉ tiêu trồng rừng của toàn tỉnh là 8.000ha, theo tính toán, mỗi năm, từ khoanh nuôi tái sinh, số rừng mới cũng phát triển thêm được 2.000 ha nữa, như vậy là nếu thực hiện tốt thì mỗi năm Lạng Sơn sẽ phát triển mới thêm 10.000 ha rừng. Con số này đảm bảo hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV: Đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 54-55%. Trong số 8.000 ha phải trồng mới trong năm 2011, thì có 3.000 ha cây phân tán đã được tỉnh cấp vốn. Như vậy còn tới 5.000 ha chưa có vốn thực hiện.
Ông Lâm Văn Chấn, Chi cục phó Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: Muốn hoàn thành số diện tích còn lại, không còn cách nào khác phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Hay nói cách khác phải tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia trồng rừng. Trước tiên nói về các doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng trên địa bàn, cho đến nay Lạng Sơn đã cấp giấy phép đầu từ cho khoảng 16 doanh nghiệp và đã có 7 đơn vị được giao đất. Nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp triển khai trồng rừng lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, như doanh nghiệp Thành Tín, Dược liệu tốt, Công ty Đạt Anh…với tình hình như vậy, dự tính số diện tích rừng trồng mới từ các doanh nghiệp chỉ ở mức khiêm tốn: 500 ha trong năm nay.
Để hỗ trợ nhân dân trồng rừng, ngày 27/12/2007, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008-2015, tuy nhiên cho đến nay số dự án vay là không nhiều và cũng không đồng đều ở các địa phương. Trong vòng 3 năm qua, tổng dư nợ cho vay mới chỉ đạt trên 38 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng huyện Đình Lập dư nợ đã lên đến trên 30 tỷ đồng, còn các địa phương khác hầu như chưa thực hiện. Cũng trong thời gian đó, số diện tích rừng trồng mới từ vay vốn chính sách là gần 6.000 ha, như vậy, bình quân mỗi năm từ vay vốn theo chính sách hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân chỉ trồng được chưa đầy 2.000 ha. Kể cả những hộ gia đình tự bỏ vốn ra trồng rừng, tính toán cặn kẽ, thì còn tới gần 3.000 ha rừng khó khăn trong khâu thực hiện. Thực tế trong những năm qua, phong trào trồng rừng kinh tế, cải tạo rừng tạp đã phát triển khá mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ gia đình vẫn chưa biết tới chính sách cho vay hỗ trợ trồng rừng của UBND tỉnh. Ông Chấn cho biết: Sắp tới ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ra công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chính sách này.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các địa phương, các ban ngành đoàn thể cần phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng rừng để xã hội hóa nghề rừng thực sự có bước phát triển mạnh mẽ, trước tiên là để thực hiện tốt nhiệm vụ trồng rừng 2011.
Cho đến thời điểm này, tuy chưa có vốn thực hiện, nhưng các chủ vườn ươm đã chủ động được trên 19,7 triệu cây giống các loại, đảm bảo chất lượng, sẵn sàng xuất vườn phục vụ công tác trồng rừng. Hy vọng rằng ngành chuyên môn, các doanh nghiệp và nhân dân sẽ tiếp tục nỗ lực đến mức cao nhất để hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng trong năm nay và quan trọng hơn là để nghề rừng phát triển bền vững và kinh tế rừng từng bước trở thành thế mạnh của tỉnh.
Lê Minh
Ý kiến ()