Xã hội hóa: Giải pháp cho trồng rừng 2016
LSO- Hiểu một cách đơn giản, các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh năm 2016 chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật đầu tư công 2014. Bởi vậy, nguồn vốn trung ương phân bổ cho dự án đầu tư phát triển rừng bền vững năm 2016 trên địa bàn tỉnh phải điều chuyển cho các dự án khác có danh mục đã được phê duyệt. Điều này đồng nghĩa với vụ trồng rừng 2016 không có nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Nông dân huyện Lộc Bình ươm giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng
Đây được xác định là khó khăn lớn nhất cho vụ trồng rừng năm nay. Năm 2011, năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2011-2015, trồng rừng đã gặp khó khăn khi dự án trồng rừng 661 kết thúc, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương giảm khá nhiều. Tuy giảm, nhưng nguồn lực hằng năm vẫn đáp ứng được phần nào nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Kết hợp với đẩy mạnh xã hội hóa, nên hằng năm Lạng Sơn vẫn thực hiện trồng rừng vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2016, toàn tỉnh đặt mục tiêu trồng mới 9.000 ha rừng. So với giai đoạn 2011-2015, đây không phải là mục tiêu khó đạt. Nhưng nếu tính về nguồn vốn triển khai thực hiện thì đây lại là chỉ tiêu rất khó khăn, bởi nguồn vốn trung ương cho trồng rừng năm 2016 là không có.
Trong tổng số chỉ tiêu đề ra, chỉ có chỉ tiêu trồng mới 3.000 ha cây phân tán là được đảm bảo bởi nguồn vốn ngân sách tỉnh. Đồng thời, nguồn vốn ngân sách cũng đảm bảo được trên 100 ha rừng phòng hộ do Công ty Thành Công đảm nhiệm. Như vậy, tính toán một cách cặn kẽ, gần 6.000 ha rừng trồng mới theo kế hoạch đề ra chưa có vốn để thực hiện.
Để giải quyết khó khăn về vốn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng, giải pháp hữu hiệu nhất chính là đẩy mạnh xã hội hóa trồng rừng. Theo thống kê của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, trong những năm qua, tỷ lệ xã hội hóa trồng rừng trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, năm 2015, tỷ lệ này đạt 28% (trong tổng số gần 12.000 ha rừng trồng mới). Điều này có nghĩa là năm trước số diện tích rừng nhân dân, doanh nghiệp tự đầu tư trồng đạt xấp xỉ 3.000 ha.
Nhân dân thành phố Lạng Sơn ra quân trồng cây đầu xuân
Chiếm hơn 1/3 trong tổng số xã hội hóa vụ trồng rừng năm trước là nhờ vào chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp thống kê: trong năm 2015 có 4 huyện (Tràng Định, Đình Lập, Hữu Lũng, Chi Lăng) thực hiện 351 dự án vay vốn, với tổng diện tích phê duyệt là 1.281,7 ha, vốn vay phê duyệt là 19.374 triệu đồng, đến nay đã trồng được 1.104,2 ha, tổng vốn đã được ngân hàng cho vay là 13.257 triệu đồng. Trong đó tiêu biểu nhất là huyện Đình Lập với số dự án vay vốn, số hộ dân được hưởng lợi chiếm khoảng 62,2% tổng số dự án, số hộ dân vay vốn toàn tỉnh.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: để đẩy mạnh xã hội hóa trồng rừng, hiện nay ngành đang khẩn trương tổng hợp, rà soát, đánh giá chính sách để tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện và có cơ chế phù hợp hơn. Qua đó khuyến khích nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp vay vốn đầu tư trồng rừng.
Cùng với đó, các huyện, xã cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư phát triển kinh tế rừng và hỗ trợ trồng rừng một phần từ ngân sách huyện. Bà Hà Thị Thủy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: ngay từ khi triển khai kế hoạch trồng rừng 2016, huyện đã chỉ đạo các xã tăng cường tuyên truyền, vận động để tăng tỷ lệ xã hội hóa trồng rừng. Đồng thời năm nay, Chi Lăng cũng phân bổ 500 triệu đồng từ kinh phí sự nghiệp nông nghiệp cho công tác trồng rừng 2016.
Chỉ đạo nhiệm vụ sản xuất sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, về công tác trồng rừng, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận: cần triển khai trồng rừng mới theo hướng tập trung cho các dự án cụ thể bằng nguồn ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trồng rừng sản xuất. Cùng với đó tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 39 về chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả giai đoạn 2008 – 2015, đề xuất điều chỉnh cơ chế hỗ trợ cụ thể để nâng cao hiệu quả của chính sách trong giai đoạn tới.
Khó khăn là rất lớn, nhưng nếu toàn tỉnh vượt qua được khó khăn này, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra thì vụ trồng rừng 2016 sẽ là bước ngoặt, đánh dấu bước chuyển mới về phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()