tle=”Xã hội hóa điểm vui chơi cho trẻ em ở Đà Nẵng”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Trẻ em làm tranh cát tại Công viên sông Hàn trên đường Trần Hưng Đạo, TP Đà Nẵng.
Trong khi hàng chục điểm vui chơi dành cho trẻ em ở Đà Nẵng được Nhà nước đầu tư không phát huy tác dụng, thì việc xã hội hóa các điểm vui chơi chính là cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và từng bước hình thành nhân cách của trẻ em.
Những điểm vui chơi an toàn, lành mạnh này đã mang lại cho trẻ em Đà Nẵng những giờ chơi đúng ý nghĩa của tuổi thơ.
Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có hơn 40 điểm vui chơi, giải trí do Nhà nước đầu tư, nhưng phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng, thiết bị vui chơi nghèo nàn, không có người quản lý, cho nên không phát huy được tác dụng. Nhiều năm trở lại đây, việc xã hội hóa điểm vui chơi được chính quyền TP Đà Nẵng đặt ra và khuyến khích người dân đầu tư nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của trẻ em và cả người lớn. Việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, hỗ trợ về chi phí thuê mặt bằng đã giúp người dân yên tâm bỏ tiền túi ra đầu tư những sân chơi hiện đại với trang thiết bị phong phú, hấp dẫn đối với trẻ em. Những điểm vui chơi, giải trí dành cho trẻ em được xã hội hóa, phát triển có hiệu quả như hiện nay đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ em, để từng bước giúp các em phát triển hài hòa, toàn diện về thể chất và tâm hồn. Có cái tâm và có niềm đam mê cùng tình yêu với trẻ, mỗi một điểm vui chơi được người dân tự đầu tư đều mong muốn mang lại nhiều hơn cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất.
Một trong những người đi đầu trong phong trào xã hội hóa điểm vui chơi cho trẻ em ở Đà Nẵng là ông Võ Thành Trung, trú tại 68 Hải Hồ, phường Thanh Bình, quận Hải Châu. Hiện ông Trung và bốn anh em trong gia đình là chủ sở hữu năm điểm vui chơi với sức hấp dẫn lớn đối với cả trẻ em và người lớn: Nhà văn hóa Lao động thành phố, phường Hòa Khánh Nam, Nhà trẻ Tiên Sa, chợ Cẩm Lệ, công viên Thanh Bình. Là một bác sĩ có kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực y tế cộng đồng, hiểu và sẻ chia với niềm khát khao của trẻ em khi không có sân chơi, ông Trung đã bàn bạc với gia đình và khởi động dự án đầy ý nghĩa này từ năm 1998. Đến nay, tổng chi phí đầu tư ước tính cho mỗi khu vui chơi này khoảng một tỷ đồng. Gia đình ông cũng tự mua dây chuyền thiết bị sản xuất trang thiết bị để cung ứng cho khu vui chơi. “Trẻ em cần có những khoảng không gian để vui chơi, mới có tuổi thơ, có ký ức. Hiện nay, diện tích đất xây dựng khu vui chơi cho trẻ em ngày càng bị thu hẹp, bởi vậy, xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em cũng là cách để hình thành nhân cách của trẻ, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho người dân địa phương, tạo điều kiện để trẻ em nghèo cũng được vui chơi như bao trẻ em cùng trang lứa khác. Chúng tôi đang có ý định sẽ mở rộng quy mô đầu tư thêm trang thiết bị để các điểm vui chơi này vừa phù hợp với trẻ em, vừa thu hút được cả người cao tuổi, thanh niên”, ông Trung cho biết.
Có tham quan các điểm vui chơi cho trẻ em do ông Trung xây dựng mới hiểu hết ý nghĩa của việc làm này. Là người khởi xướng, tổ chức thực hiện và cùng gia đình dồn tâm huyết cho các khu vui chơi, ông Trung tâm đắc một điều rằng, đầu tư khu vui chơi cho trẻ em phải chuyên nghiệp, có tâm, có tầm nhìn xa, bảo đảm tuyệt đối chất lượng dịch vụ và an toàn. Không lấy hiệu quả kinh tế làm trọng mà mục đích tạo sân chơi bổ ích và thiết thực. Đối với trẻ em, ngoài ăn uống, sức khỏe thì đời sống tinh thần, trí tuệ, lao động thể lực rất cần thiết để tạo nên sự phát triển cân đối, hoàn thiện. Ngoài tạo công ăn việc làm cho lao động trong gia đình, các khu vui chơi của gia đình ông Trung còn giải quyết việc làm cho hơn 60 sinh viên với mức lương trung bình từ 900 nghìn đến ba triệu đồng/người/tháng. Ông Trung đã trích một phần lợi nhuận để cùng với địa phương tặng học bổng các em học sinh nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật.
Tại điểm vui chơi trước Nhà văn hóa Lao động TP Đà Nẵng, khoảng 18 giờ tối đã có khá đông phụ huynh ở quận Hải Châu, Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang đưa con tới chơi. Điểm vui chơi này nằm ở khu vực trung tâm của quận Cẩm Lệ, gần quốc lộ cho nên thuận lợi cho phụ huynh đưa trẻ đến đây chơi. Anh Trần Văn Hòa, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết: “Từ khi có điểm vui chơi này, mỗi tuần tôi đều sắp xếp thời gian một buổi tối để chở hai con trai xuống đây chơi, vừa tập cho con làm quen với các bạn ở phố, vừa để các cháu thư giãn sau một tuần học tập vất vả. Cháu lớn học lớp 4 rất mê đi tàu lửa, còn cậu nhỏ học mẫu giáo lại thích đu quay”.
Khu vực Công viên sông Hàn ở đường Trần Hưng Đạo nhiều năm qua đã được lãnh đạo TP Đà Nẵng chỉ đạo ngành văn hóa cấm tất cả các quán hàng phục vụ ăn uống, để đầu tư thành công viên đi bộ, sân chơi cho trẻ em. Hiện nay, nhiều gia đình quanh khu vực các phường An Hải Bắc, An Hải Tây đã đầu tư các trang thiết bị như xe đạp mi-ni, xe đạp đôi, xe điện, xích-lô mi-ni, nhà phao và tranh cát, tượng để phục vụ trẻ em và cả người lớn. Từ 16 giờ chiều, công viên bắt đầu đón khách. Ở đây không chỉ có trẻ em chơi, mà còn học sinh, sinh viên đều tìm đến và thỏa sức sáng tạo trên tranh, tượng. Em Lê Thị Hoàng Mai, sinh viên Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng chia sẻ: “Mỗi tuần em đến đây ít nhất hai lần, sau khi kết thúc giờ dạy gia sư ở gần đây. Cùng chơi với các bạn nhỏ tự nhiên mình cảm thấy cuộc sống thật đẹp và bớt đi những lo toan”.
Ba năm trở lại đây, trẻ em quận Sơn Trà đã có một địa điểm vui chơi đúng nghĩa ở công viên trước UBND phường Thọ Quang. Đây là địa điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ em do vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Dũng – Nguyễn Thị Thanh Thúy, trú tại tổ 15, Lộc Phước 3, phường Thọ Quang đầu tư xây dựng. Khi thấy các con mình không có chỗ vui chơi, rồi thấy nhiều trẻ em khác trong khu vực đều “khát” sân chơi, anh Dũng và chị Thúy mạnh dạn đề xuất ý kiến với lãnh đạo UBND phường Thọ Quang và được phường nhất trí ủng hộ xây dựng khu vui chơi. Thời gian đầu chỉ mua thiết bị phục vụ ba trò chơi là nhà phao, tàu lửa, đu quay. Đến nay, sau ba năm đưa vào khai thác, công viên Thọ Quang đã trở nên một điểm vui chơi sôi động của trẻ em với nhiều trò chơi phong phú như nhà phao, tàu lửa, đu quay, câu cá, thú nhún, xe điện đụng, tô tượng, tranh cát, mâm xoay. Chị Thúy tâm sự: “Trẻ em như búp trên cành, cuộc sống ở đô thị càng hiện đại thì trẻ em càng có ít thời gian để được làm trẻ thơ. Chúng tôi xây dựng công viên này cũng vì tình yêu với trẻ. Vui và hạnh phúc khi thấy những nụ cười luôn nở trên môi các em khi được tham gia các trò chơi như ở đây, các bậc phụ huynh cũng nhờ đó mà bớt căng thẳng, mệt mỏi”. Được biết, số vốn mà gia đình chị Thúy bỏ ra đầu tư cho khu vui chơi này hơn bốn trăm triệu đồng. Số tiền thu được từ các trò chơi này, gia đình chị Thúy đã dùng để đầu tư thêm trang thiết bị, thay mới những trang thiết bị đã cũ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em khi đến đây vui chơi. Thấy chúng tôi đang tác nghiệp chụp ảnh ở nhóm các em đang tô tượng và làm tranh cát, em Văn Đức Trường Giang, 8 tuổi, trú tổ 12E, phường Thọ Quang đã không ngần ngại “yêu cầu” chúng tôi “phỏng vấn”.
– Một tuần bố mẹ cho cháu đến đây bao nhiêu lần? Tôi hỏi cậu bé.
– Cháu đến đây vào tối thứ bảy và chủ nhật. Cháu mê nhất là tô tượng và làm tranh cát – món đồ đẹp nhất cháu để dành tặng bố cháu khi bố về thăm vì bố cháu là bộ đội đang công tác ở xa nhà.
Nói rồi Giang khoe với chúng tôi chú heo con bằng thạch cao được tô mầu cẩn thận và bức tranh hoa hồng làm bằng cát nhiều mầu sắc đẹp mắt. Đó là sản phẩm của em làm được sau gần 30 phút. Mẹ của Giang, chị Mai Thị Thu Hằng, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh, quận Sơn Trà, chia sẻ: “Thuận lợi nhất của gia đình tôi là ở gần khu vui chơi này cho nên thường xuyên sắp xếp đưa cháu tới chơi. Trẻ em thích đi chơi gần, còn ở xa thì khó đi vì cũng phụ thuộc vào tâm lý bố mẹ, ngại chở các cháu đi xa qua bên trung tâm thành phố. Đối với những điểm vui chơi xã hội hóa hoạt động có hiệu quả thì ngành văn hóa các cấp thành phố cần nhân rộng để có nhiều trẻ em được thụ hưởng. Đầu tư cho con em chúng ta những sân chơi bổ ích, lý thú, đó là cách làm nhanh chóng mang lại hiệu quả, kích thích sự sáng tạo của các em qua mỗi trò chơi”.
Phần lớn các điểm vui chơi xã hội hóa ở Đà Nẵng đều phục vụ nhu cầu chính của trẻ em là vui chơi, giải trí, thường bắt đầu mở cửa từ 16 giờ 30 phút chiều hoặc từ 18 giờ đến 21 giờ tối, tùy theo nhu cầu và thời gian của phụ huynh và sẵn sàng phục vụ nếu trẻ em muốn ra về. Mức giá cũng rất mềm. Ở điểm vui chơi Nhà văn hóa Lao động gồm các trò chơi như xe điện, tranh cát, tô tượng là từ 8.000 đến 15.000 đồng/lần chơi (tùy theo kích cỡ của tranh, tượng), các trò khác là 5.000 đồng/người. Ở công viên sông Hàn thì giá 10.000 đồng/10 phút/lượt xe. Còn tại công viên phường Thọ Quang, mức giá cho mỗi trò chơi là 3.000 đồng/người chơi từ 5 đến 10 phút, riêng chơi ở nhà phao giá 5.000 đồng/30 phút nhưng các em được chơi thoải mái, trừ những dịp lễ, Tết hay cuối tuần, khi khách hàng quá đông thì các trẻ phải chơi đúng giờ quy định. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, thì mức giá này phù hợp với một địa phương như phường Thọ Quang và các khu vực chung quanh quận Sơn Trà vì ở đây phần lớn là dân lao động, thu nhập còn thấp so với những nơi khác.
Với tâm huyết của một người có kinh nghiệm trong đầu tư khu vui chơi cho trẻ em ở Đà Nẵng, ông Võ Thành Trung kiến nghị: Thành phố cần quy hoạch và dành quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em; có chủ trương cụ thể về việc xã hội hóa đối với các khu vui chơi đã được xây dựng mà không phát huy hiệu quả, vì nhu cầu của người dân địa phương hiện nay rất lớn. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ chủ đầu tư về các hồ sơ, thủ tục để việc đầu tư sân chơi cho trẻ được thuận lợi và mang tính lâu dài, bền vững. Ngành văn hóa các địa phương cần có sự quan tâm sâu sát, cùng chủ đầu tư quản lý tốt các khu vui chơi, tạo thành nét đẹp trong xây dựng văn hóa đô thị ở TP Đà Nẵng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()