Xã hội hoá dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản: Còn nhiều khó khăn
- Việc xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ sinh sản (KHHGĐ/SKSS) được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên từ năm 2023 đến nay, công tác này đang gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, việc xã hội hoá cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo Đề án 818 (năm 2015), nay là Đề án 718 (năm 2019) của Bộ Y tế được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân được tiếp cận và lựa chọn những biện pháp tránh thai, các dịch vụ KHHGĐ/SKSS phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế.
Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay việc triển khai đề án đang gặp nhiều khó khăn dẫn đến số lượng tiêu thụ PTTT được cung cấp qua kênh xã hội hóa giảm đột ngột. Cụ thể, viên uống tránh thai năm 2021, 2022 tiêu thụ hơn 18.000 sản phẩm nhưng từ năm 2023 đến nay không phân phối được sản phẩm nào. Tương tự, các sản phẩm khác của đề án như: bao cao su, dung dịch vệ sinh đa năng Gyno Pro, Gel Sensi Love, viên bổ sung vi chất Premom, Canxi Daily… t ừ năm 2023 đến nay cũng giảm về con số 0.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn phân phối 1 sản phẩm duy nhất của Đề án 818 là dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis nhưng số lượng cũng giảm từ 3.700 sản phẩm (năm 2022) xuống còn 1.900 sản phẩm (năm 2023), 6 tháng đầu năm 2024 chỉ còn 900 sản phẩm. Doanh thu xã hội hóa theo đó cũng giảm mạnh từ 500 triệu đồng (năm 2021) xuống còn gần 50 triệu đồng (năm 2023), 6 tháng đầu năm nay chỉ được hơn 20 triệu đồng.
Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số (DS)- KHHGĐ phân tích: Các sản phẩm PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS của đề án còn thiếu sức cạnh tranh so với các mặt hàng đã có thương hiệu; công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm còn hạn chế nên người dân vẫn có thói quen tiếp nhận phương tiện tránh thai miễn phí từ chương trình mục tiêu DS - KHHGĐ hoặc tự mua ở các cơ sở y tế tư nhân. Đặc biệt do vướng mắc về quy trình, thủ tục nên nguồn cung PTTT xã hội hoá từ Tổng cục DS-KHHGĐ về tỉnh bị gián đoạn kéo dài từ năm 2023 đến nay.
Được biết, sản phẩm thuộc Đề án gồm 31 sản phẩm chia làm 2 nhóm: nhóm sản phẩm, hàng hóa KHHGĐ và nhóm sản phẩm, hàng hóa hỗ trợ KHHGĐ, chăm sóc SKSS.
Các sản phẩm này được phân phối độc quyền trong hệ thống kênh phân phối xã hội hóa, trực tiếp cung cấp đến khách hàng là các cán bộ dân số, y tế cơ sở. Tuy nhiên, một số sản phẩm bảo vệ sức khoẻ còn mới, chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường nên người tiêu dùng thường e ngại, nghi ngờ về chất lượng. Các sản phẩm chăm sóc SKSS như: thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Tố nữ Hoàng Sâm, Canxi daily… lại có giá thành khá cao, dao động từ 100.000 đến 500.000 đồng/sản phẩm. Do vậy, đội ngũ tuyên truyền dân số gặp khó khăn khi tiếp thị các sản phẩm này đến người dân.
Ở một số nơi, nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đi làm ăn xa tại các tỉnh khác nên không sử dụng các sản phẩm từ đề án. Chị Nông Thị Ninh, cộng tác viên dân số thôn Ngòi Na, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: Trên địa bàn thôn có 76 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì có trên 40 người đi làm ăn xa. Chúng tôi rà soát, vận động thì được biết là họ vẫn đang sử dụng các sản phẩm KHHGĐ/CKSKSS được mua ở các quầy thuốc gần chỗ làm.
Thêm vào đó, các sản phẩm hàng hóa chăm sóc SKSS, KHHGĐ được bày bán rộng rãi trên thị trường với mẫu mã đa dạng, giá cả sản phẩm phù hợp với nhu cầu, túi tiền của người dân đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trong đề án. Chị Hoàng Mỹ Linh, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng cho biết: Các sản phẩm hàng hóa chăm sóc SKSS, KHHGĐ ở các quầy thuốc gần nhà tôi bày bán rất nhiều. Mẫu mã, giá cả đa dạng, nhiều sự lựa chọn. Tôi đi làm hay đi chợ đều tiện mua, không cần mất thời gian đến trạm y tế thị trấn hay gọi điện cho cộng tác viên dân số để lấy hàng.
Thiết nghĩ, để Đề án về "tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030" phát huy hiệu quả thực tế, các cơ quan dân số tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho cấp trên, phối hợp với các đơn vị liên quan tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung sản phẩm. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về sự cần thiết, lợi ích và hiệu quả của việc thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS nhằm tạo sự đồng tình ủng hộ của người dân, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình DS-KHHGĐ trên địa bàn.
Ý kiến ()