Xã hội hoá đầu tư xây dựng chợ nông thôn: Nhà đầu tư chưa “mặn mà”
(LSO) – Trên địa bàn tỉnh hiện có 83 chợ. Trong số đó, ngoài các chợ ở khu vực thành phố, chợ trung tâm huyện, có hơn 60 chợ nông thôn (chợ hạng 3) tại các xã đã xuống cấp và cần đầu tư nâng cấp, cải tạo, hoặc xây mới. Để nâng cấp hạ tầng các chợ nông thôn, tỉnh đã thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư. Tuy nhiên, việc khó thu hồi vốn đang khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.
Thời gian qua, tỉnh thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư chợ nông thôn thông qua việc kêu gọi các nhà đầu tư có nguồn lực. Để thu hút nhà đầu tư bỏ vốn nâng cấp, xây dựng mới chợ nông thôn tại các xã trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 66/2017/NQ-HĐND ngày 11/12/2017 quy định chính sách hỗ trợ xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2030. Trong đó quy định các mức hỗ trợ thiết thực cho nhà đầu tư như: hỗ trợ 100% tiền giao đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (mức hỗ trợ không quá 600 triệu đồng); hỗ trợ 55% giá trị đầu tư (không quá 1,2 tỷ đồng đối với đầu tư xây dựng chợ mới và không quá 600 triệu đồng đối với nâng cấp, sửa chữa chợ); hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngoài chợ…
Doanh nghiệp vẫn chưa đầu tư cải tạo chợ Na Hình
Với cơ chế ưu đãi gần như “tối đa” như vậy, từ năm 2018 đến hết năm 2019, đã có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh khảo sát, tìm hiểu và thực tế có một số doanh nghiệp đã cam kết thực hiện đầu tư. Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 24/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao 15 chợ nông thôn trên địa bàn 4 huyện: Bắc Sơn, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định cho một số nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong 15 chợ đã giao (13 chợ giao từ năm 2018, 2 chợ giao trong quý I/2019), chỉ có 3 chợ, gồm: chợ Vũ Lăng (xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn); chợ Liên Hội Phai Khang (xã Liên Hội, huyện Văn Quan); chợ Ba Xã (xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan) đã được doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, sửa chữa, các chợ còn lại mới dừng ở mức nhận bàn giao và thực hiện khai thác trên nền chợ cũ mà chưa thực hiện các công đoạn đầu tư. Đặc biệt, có trường hợp hợp tác xã đã tiếp nhận, quản lý chợ và cam kết đầu tư, nhưng sau một thời gian đã trả lại cho huyện quản lý (chợ Long Thịnh, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định).
Ông Hoàng Như Bách, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Quyết định của UBND tỉnh (QĐ số 577/QĐ-UBND ngày 27/3/2019) giao cho Hợp tác xã Chợ Đại Phúc quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng chợ Long Thịnh (xã Quốc Khánh). Tuy vậy, sau một thời gian nhận thấy nguồn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm nên các thành viên không thống nhất việc đầu tư, do đó, hợp tác xã trả lại chợ cho huyện.
Cái khó của Hợp tác xã Chợ Đại Phúc cũng là cái khó chung của những nhà đầu tư khác, từ đó dẫn đến sự chần chừ trong việc thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới các chợ đã được bàn giao. Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc (được bàn giao chợ Na Hình trên địa bàn xã Thuỵ Hùng, huyện Văn Lãng), chợ Na Hình họp theo phiên (5 phiên/tháng), số lượng người đến họp chợ ít và không đều, nên thời gian thu hồi vốn đầu tư sẽ lâu.
Ông Nguyễn Phú Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Việt Đức (doanh nghiệp được giao đầu tư, quản lý chợ Bãi, xã Yên Phúc; chợ Liên Hội Phai Khang, xã Liên Hội và chợ Ba Xã, xã Tân Đoàn của huyện Văn Quan) cho rằng: Doanh nghiệp đã cam kết với tỉnh thì sẽ thực hiện đầu tư. Nhưng để các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào các chợ nông thôn thì tỉnh nên xem xét, quy hoạch một số chợ giáp nhau thành chợ liên xã, chợ cụm xã. Khi đó, việc họp chợ sẽ thường nhật, sức mua, lượng hàng hoá trao đổi sẽ tăng, hiệu quả việc đầu tư rõ ràng hơn thì các nhà đầu tư sẽ bỏ vốn đầu tư ngay mà không “lăn tăn” điều gì.
Theo ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công thương, để huy động các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng các chợ nông thôn thì bên cạnh những chính sách ưu đãi, các ngành, các cấp và các huyện tiếp tục quan tâm đến các doanh nghiệp đầu tư. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, lập quỹ đất để bàn giao các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý chợ; rà soát, bố trí vị trí các chợ nông thôn phù hợp với quy mô dân số của từng địa bàn… Có như vậy mới đảm bảo hài hoà lợi ích của địa phương cũng như của doanh nghiệp đầu tư. Đó cũng chính là cơ sở để doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào chợ nông thôn, qua đó thúc đẩy sự phát triển thương mại của các xã vùng nông thôn.
Ý kiến ()