Xã hội hóa công tác giống
Hậu Giang có khoảng 80 nghìn ha đất sản xuất lúa, với diện tích này, hằng năm tỉnh cần khoảng 25 nghìn tấn lúa giống các loại để gieo sạ. Nhưng trong điều kiện còn khó khăn, Trung tâm giống của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu giống trong dân.
Hậu Giang có khoảng 80 nghìn ha đất sản xuất lúa, với diện tích này, hằng năm tỉnh cần khoảng 25 nghìn tấn lúa giống các loại để gieo sạ. Nhưng trong điều kiện còn khó khăn, Trung tâm giống của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu giống trong dân.
Vì thế, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa công tác giống thông qua việc lấy nguồn giống tại chỗ do nông hộ tự sản xuất, các tổ hợp tác, câu lạc bộ, hợp tác xã nhân giống ở địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp giống cho nông dân.
Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, các viện, trường, công ty, đại lý vật tư nông nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia hệ thống cung cấp nguồn giống lúa chất lượng (hầu hết là giống cấp nguyên chủng và cấp xác nhận) cho người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, nguồn giống này chưa được người dân sử dụng nhiều vì giá thu mua luôn ở mức cao, trong khi giá cả, thị trường lúa hàng hóa biến động thất thường. Còn nguồn lúa giống được sản xuất bởi các tổ hợp tác (THT), câu lạc bộ (CLB) khuyến nông, hợp tác xã (HTX) nhân giống chỉ cao hơn lúa hàng hóa khoảng từ 15 đến 20%, nên thường được nhà nông chọn mua về canh tác. Với kinh nghiệm nhân giống lúa hơn bảy năm qua, Chủ nhiệm CLB nhân giống ấp 7B1, xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) Nguyễn Văn Thành cho rằng, tuy chưa đăng ký được bao bì, nhãn hiệu nhưng giống lúa xác nhận được sản xuất trên diện tích hơn sáu ha (hai vụ đông xuân và thu đông) của CLB đều được người dân trong và ngoài địa bàn, thậm chí là tỉnh bạn ở Kiên Giang thu mua về gieo sạ trong những năm qua. Ðó là nhờ CLB tuyển chọn những bộ giống nguyên chủng, có năng suất cao ở các viện, trường và phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Chưa kể là trong quá trình sản xuất được khử lẫn nghiêm ngặt. Còn giá bán ra thấp hơn đáng kể so với các công ty, đại lý giống.
Giám đốc Trung tâm giống Hậu Giang, Lê Xuân Hội cho biết: Trong điều kiện Trung tâm chỉ có bốn ha đất sản xuất lúa giống, nên lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, phải tăng cường liên kết, xã hội hóa công tác giống để bảo đảm nhu cầu giống cho bà con. Hiện Trung tâm đã thực hiện liên kết với bốn HTX sản xuất lúa giống trên địa bàn, với diện tích khoảng 300 ha để sản xuất giống cấp xác nhận. Ngoài việc hộ dân tự sản xuất lúa giống để gieo sạ, hệ thống khuyến nông cũng thành lập hơn 100 THT, CLB nhân giống, tuy không “chính quy” nhưng cũng góp phần cung cấp giống cho bà con sản xuất. Chính nhờ đẩy mạnh thực hiện giải pháp xã hội hóa trong công tác nhân giống, đã từng bước làm thay đổi tập quán sử dụng giống thông thường sang giống xác nhận của nhà nông. Nếu như năm 2004, toàn tỉnh chỉ có khoảng 30% số nông dân dùng giống xác nhận để gieo sạ trong mỗi mùa vụ thì hiện nay đã tăng lên hơn 70%. Nhờ đó, đã góp phần vào mục tiêu nâng cao giá trị, sản lượng lúa hằng năm của tỉnh.
Trên thực tế, hệ thống cung cấp giống chất lượng chỉ đáp ứng chưa tới 40% tổng nhu cầu giống, còn lại là hệ thống giống cộng đồng chưa đạt tiêu chuẩn. Mặc dù phương thức xã hội hóa trong công tác nhân giống được xem là giải pháp cần thiết giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả canh tác không chỉ cho cây lúa mà cho các loại cây trồng chủ lực khác của người dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng hạt giống, cần quan tâm công tác dự báo nguồn cung để có định hướng giúp nông dân canh tác giống lúa gì mà nhu cầu thị trường cần, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Phước Trung, ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành Hà Minh Triều cho biết: Sản xuất lúa giống cũng cần đầu ra như sản xuất lúa hàng hóa. Ðể có đầu ra ổn định, đòi hỏi phải có dự báo thị trường xuất khẩu cần những loại lúa gì để sản xuất giống phục vụ bà con canh tác. Có như vậy mới bảo đảm sản xuất ra tránh gặp cảnh không bán được, hoặc giá thấp, khó tiêu thụ như thời gian qua.
Chủ nhiệm HTX nhân giống Phước Thuận, xã Trường Long Tây (Châu Thành A) Nguyễn Trung Chánh cho hay, trong vụ đông xuân 2012 – 2013 vừa qua, HTX đã mua hơn 0,5 tấn giống Jasmine nguyên chủng từ công ty ở An Giang, với giá hơn 16 nghìn đồng/kg để gieo sạ năm ha lúa giống. Toàn bộ sản lượng giống xác nhận do HTX nhân ra đều được Công ty Mê Công kiểm tra chất lượng và chấp nhận thu mua với giá 7.200 đồng/kg, cao hơn giá lúa hàng hóa cùng loại 1.200 đồng/kg. Tiềm năng có nhưng vụ đông xuân tới đây sẽ không mở rộng thêm diện tích vì HTX thiếu trang thiết bị phục vụ quá trình nhân giống. Mặt khác, khó xác định được nhu cầu sử dụng, loại giống trong dân, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu để phát triển quy mô sản xuất hợp lý.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang Lê Văn Ðời cho biết: Trong thời gian tới, bên cạnh khuyến khích phát triển phong trào nhân giống lúa cộng đồng trên cơ sở chính sách hỗ trợ đầu tư thiết bị máy móc thì các cơ quan chức năng thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, tạo điều kiện liên kết đầu ra cho các đơn vị sản xuất giống. Ðồng thời tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nguồn giống do các cơ sở, đại lý vật tư nông nghiệp cung ứng, nhằm nâng cao chất lượng các nguồn cung cấp lúa giống trên địa bàn tỉnh. Ðể khuyến khích phong trào sản xuất lúa giống trong cộng đồng, ngoài giải pháp chuyển giao khoa học kỹ thuật, cần có chính sách hỗ trợ thêm trang thiết bị sản xuất như máy tách hạt, cũng như quy trình đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn hiệu để khẳng định chất lượng giống cho các THT, CLB, HTX nhân giống của tỉnh là rất cần thiết, nhằm góp phần giữ vững sản lượng lúa khoảng 1,2 triệu tấn/năm và tập trung cho sản phẩm lúa xuất khẩu từ nay đến năm 2015 theo kế hoạch của tỉnh.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()