Xã hai lần Anh hùng
Xã Gào (TP Plây Cu) của tỉnh Gia Lai hai lần được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tự hào là quê hương cách mạng, tự hào với quá khứ hào hùng, ngày nay đồng bào các dân tộc xã Gào không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển đi lên.Quá khứ hào hùngXã Gào là xã vùng ven, cách trung tâm TP Plây Cu 18 km. Những năm chiến tranh, xã được xem là địa bàn xung yếu về quân sự, thường xuyên diễn ra tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, bởi đây là căn cứ vững chắc để cách mạng xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, làm bàn đạp tạo thế tiến công vào trung tâm hành chính quân sự của địch ở Plây Cu. Trong lịch sử hình thành, phát triển các phong trào cách mạng ở Gia Lai, xã Gào được coi là nơi khởi nguồn của phong trào đấu tranh cách mạng, từ tự phát đến tự giác, có tổ chức và có lãnh...
Quá khứ hào hùng
Xã Gào là xã vùng ven, cách trung tâm TP Plây Cu 18 km. Những năm chiến tranh, xã được xem là địa bàn xung yếu về quân sự, thường xuyên diễn ra tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, bởi đây là căn cứ vững chắc để cách mạng xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, làm bàn đạp tạo thế tiến công vào trung tâm hành chính quân sự của địch ở Plây Cu. Trong lịch sử hình thành, phát triển các phong trào cách mạng ở Gia Lai, xã Gào được coi là nơi khởi nguồn của phong trào đấu tranh cách mạng, từ tự phát đến tự giác, có tổ chức và có lãnh đạo. Nằm cạnh địa bàn xã là Đồn điền chè Bàu Cạn, do Pháp xây dựng từ năm 1923 với hơn 2.500 công nhân được tuyển mộ từ Thanh Hóa vào đến Phú Yên. Vào thời điểm đó, tại đây đã liên tục nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân hái chè với chủ đồn điền. Ông Nguyễn Khoa, nguyên là cán bộ lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã Gào đã nhận xét: Nét nổi bật và đặc trưng nhất trong phong trào đấu tranh cách mạng ở xã Gào là có Đảng lãnh đạo. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây lại chịu ảnh hưởng nhiều từ các phong trào đấu tranh của công nhân chè như: Chống áp bức bóc lột, chống bắt phu, đòi tăng lương, giảm giờ làm… nên đồng bào nơi đây được giác ngộ cách mạng khá sớm, ý thức chính trị hình thành rất rõ nét; phong trào đấu tranh cách mạng luôn ở đỉnh cao, đem lại hiệu quả chính trị to lớn, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của phương pháp cách mạng khi Đảng ta chủ trương đoàn kết, liên minh vững chắc Công – Nông – Kinh – Thượng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng bào Gia Rai ở xã Gào luôn sát cánh cùng công nhân hái chè ở Đồn điền chè Bàu Cạn tiến hành các cuộc đấu tranh cả về chính trị lẫn quân sự, làm thất bại nhiều âm mưu của địch như: chống dồn dân lập ấp chiến lược, bảo vệ cán bộ cách mạng, đồng thời tiếp tục góp công, góp của xây dựng xã thành khu căn cứ hậu cần vững chắc, chuẩn bị lực lượng và vật chất cho các đội công tác làm nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu tình hình địch ở Plây Cu. Đặc biệt, trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, xã Gào là căn cứ quan trọng, nơi giấu quân bí mật, để từ đây nhiều cánh quân của cách mạng bất ngờ tiến công vào nội thành, giáng những đòn chí tử vào bộ máy chính quyền của Mỹ – ngụy ở Plây Cu, góp phần quan trọng giải phóng tỉnh Gia Lai, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước.
Đóng góp của cán bộ và nhân dân xã Gào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước là rất lớn. Trong hơn 20 năm kháng chiến chống chế độ Mỹ – ngụy, ngoài lực lượng dân quân, du kích xã cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực tổ chức đánh hàng nghìn trận, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, với nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo và nhiều tấm gương mưu trí dũng cảm như: Rah Lan Bia, Siu Lol, Rơ Lan Be, Rah Lan Henh, Siu Gler, Puih Hlơ… luôn là nỗi kinh hoàng của Mỹ – ngụy ở các vùng ven, lẫn trong nội thành. Ngoài ra, còn có gần 400 gia đình, cá nhân đóng góp cho cách mạng hơn 40 tấn lương thực, hơn 3.000 ngày công làm đường, đào giao thông hào; tham gia vận chuyển 15 tấn vũ khí các loại phục vụ chiến trường. Không chỉ đóng góp công sức tiền của, nhiều người con của xã Gào cũng đã anh dũng ngã xuống, trong số 112 liệt sĩ đã hy sinh trong các trận chiến đấu ác liệt với quân thù trên địa bàn xã Gào, có tới 88 liệt sĩ là người dân tộc thiểu số.
Xã Gào hôm nay
Sau ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước, xã Gào được sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên của Đảng và Nhà nước. Với thuận lợi về địa thế, địa hình, xã được chọn làm điểm về xây dựng thủy lợi, phát triển cánh đồng lúa nước, đặc biệt là lúa đông – xuân của tỉnh. Đồng thời, được đầu tư xây dựng thành vùng trồng các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, các điểm dãn dân kinh tế mới trong thành phố. Từ những năm 80-81, xã đã có những đơn vị như làng A (Ring De) tham gia vào câu lạc bộ 10 tấn của cả nước. Hiện nay, toàn xã có 730 hộ, 3.500 khẩu, trong số này có bốn làng đồng bào Gia Rai và ba thôn người Kinh. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đồng bào các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Về sản xuất, hiện nay xã có 838,2 ha đất nông nghiệp (có 96 ha lúa đông – xuân) hằng năm cho sản lượng hơn 500 tấn lương thực, đủ giải quyết cái ăn cho đồng bào trong xã và có tích lũy; có 520 ha cây công nghiệp ngắn và dài ngày, chủ yếu là cà-phê, cao-su, tiêu, bời lời và cây ăn trái. Toàn xã có đàn gia súc với hơn 1.600 con, trong đó bò 1.548 con; lợn 950 con; trâu 58 con, đàn gia cầm hơn 5.000 con. Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện có 12 cơ sở chế biến, xay xát, 27 máy cày tay, 50 máy tuốt lúa. Nhiều gia đình còn đầu tư mua xe công nông để vận chuyển hàng hóa nông sản và chở thuê để tăng thu nhập. Đến nay, đã có 95% số hộ có ti-vi, xe máy; đường giao thông đã được xây dựng và kéo điện về ở hầu hết các thôn làng… nhờ vậy, dù là xã có số đông là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tỷ lệ đói nghèo của xã hiện chỉ còn chiếm 2,39%. Về văn hóa – xã hội, tất cả các thôn, làng đều có trường học, trong đó có ba trường THCS với 50 lớp có hơn 907 học sinh đang theo học; có một trạm y tế với hai y sĩ và các trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Song song với phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, hệ thống chính trị của xã cũng không ngừng được củng cố, Đảng bộ xã hiện có bảy chi bộ với 72 đảng viên, không còn thôn làng trắng về đảng viên. Cùng với các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… các đảng viên luôn phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, thật sự là chỗ dựa của người dân trong quá trình xây dựng, phát triển địa phương.
Đồng chí Puih Ri, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Với những đóng góp của đồng bào xã Gào trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địa phương chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thời bình, công cuộc xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của xã Gào luôn nhận được sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của Trung ương và nhiều cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học… trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Đảng bộ chính quyền xã thường xuyên động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết cùng chung sức xây dựng quê hương. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng luôn nêu cao truyền thống là quê hương cách mạng, lòng dân luôn hướng về Đảng, về cách mạng, không một thế lực phản động nào có thể lợi dụng, lôi kéo vào những việc làm có hại cho cách mạng, đi ngược lại lợi ích của bà con. Đó chính là cơ sở, là nền tảng chính trị vững chắc để cán bộ và nhân dân xã Gào luôn xứng đáng với sự quan tâm, tin cậy của Đảng và Nhà nước; xứng đáng với danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()