Xã giảm nghèo nhanh nhất Ninh Thuận
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây, từ một xã nghèo nhất huyện, xã Phước Thành (Bác Ái, Ninh Thuận) đã vươn lên là xã có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất của tỉnh.
Mặc dù, xác định nhiệm vụ giảm nghèo là yêu cầu cấp thiết của đảng ủy, chính quyền xã, nhưng đất sản xuất chủ yếu là đất đồi núi dốc, ở xa và cao hơn hệ thống thủy lợi hồ Sông Sắt không chủ động nước tưới, việc đi lại trở ngại cộng với trình độ, nhận thức của đồng bào các dân tộc chưa cao, cho nên mấy chục năm qua, bà con vẫn bám vào nương, rẫy để trồng tỉa với phương thức sản xuất lạc hậu, năng suất bấp bênh, dẫn đến đời sống còn nhiều khó khăn.
Ðảng ủy xã Phước Thành đã ra nghị quyết chuyên đề về phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải luôn gần dân, giúp dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Bí thư Ðảng ủy xã Phước Thành Ðậu Văn Hùng cho biết: “Ðể thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào là rất khó khăn, nhiều hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại việc được thụ hưởng các chế độ chính sách, nên không muốn thoát nghèo. Mặt khác, có những mô hình sản xuất trước đây chưa mang lại hiệu quả, cho nên phải làm để dân tin là đảng ủy, chính quyền đã tìm ra hướng giúp dân thoát nghèo, từ đó tạo sự đồng thuận làm theo”.
Nhận thấy việc phát triển cây mía là lựa chọn tốt nhất trong chuyển đổi cây trồng, phát huy lợi thế khác cho “đầu ra” sản phẩm nhờ giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, có tuyến quốc lộ 27B đi qua, thuận lợi thông thương, Ðảng ủy xã chủ động cử đoàn công tác tổ chức đi mời gọi Công ty Mía đường Khánh Hòa vào đầu tư sản xuất hơn 30 ha mía theo mô hình “liên kết bốn nhà”. Trong đó, nông dân góp đất, góp công; doanh nghiệp đầu tư phân bón, giống, bao tiêu sản phẩm; xã đứng ra bảo lãnh hợp đồng và phối hợp với doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân.
Ðảng ủy xã cũng phân công mỗi cán bộ nhận đỡ đầu một hộ nghèo, hướng dẫn cách làm ăn để những hộ này phấn đấu thoát nghèo. Ban đầu, vận động những hộ biết làm ăn, tiên phong thực hiện mô hình, đồng thời bố trí lực lượng trí thức trẻ có trình độ chuyên môn xuống tận nơi giúp đỡ, hướng dẫn từng hộ dân sản xuất theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.
Thăm gia đình ông Pinăng Ghinh, ở thôn Ma Dú, điển hình trong công tác thoát nghèo. Ông vui vẻ, nói: “Cán bộ xã nhiệt tình giúp đỡ làm thủ tục hồ sơ khai hoang, cải tạo đất và chỉ cho cách trồng cây mía, bón phân… nên vụ vừa rồi, thu hoạch tám sào mía đạt gần 80 tấn, bán hơn 50 triệu đồng. Năm 2015, mở rộng thêm 1,2 ha, cộng với chăn nuôi bò, làm ruộng, mình không sợ nghèo nữa. Thấy mình làm được, mọi người sẽ làm theo”.
Ðến nay, toàn xã, có gần 80 hộ liên kết với Công ty Mía đường Khánh Hòa chuyển đổi 100 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng mía. Bây giờ, cây mía trở thành cây trồng chủ lực và cho thu nhập khá ổn định. Bên cạnh đó, những mô hình trồng keo lai, chuối địa phương, bắp xen đậu đỏ, nuôi bò vỗ béo, nuôi heo đen… đều phát triển tốt, đồng bào Ra Glai tăng thu nhập đáng kể, nhiều hộ có thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng.
Gặp lại kỹ sư Nại Thành An, là trí thức trẻ tình nguyện về làm việc tại huyện Bác Ái vào năm 2009 và được phân công về xã Phước Thành. Bằng kiến thức của mình, năm 2010, kỹ sư An đã hướng dẫn bà con thực hiện mô hình trồng lúa nước. Với 10 ha ban đầu cho năng suất 45 tạ/ha (cao gấp nhiều lần so với cách làm cũ), cho nên đồng bào phấn khởi mở rộng diện tích trồng lên vài chục ha. Anh tâm sự: “Ngày nào tôi cũng “lội ruộng, bám đồng” với bà con, hướng dẫn cách cày ải, làm đất, gieo lúa, bón phân, phun thuốc cho đến khâu thu hoạch. Trước khi vào vụ mới, lại hướng dẫn cách ủ phân, vệ sinh đồng ruộng và xuống giống. Hễ người dân có nhu cầu học hỏi kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt, tôi đều vui vẻ nhận lời và hướng dẫn tận tình. Nhờ đó, bà con đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, cho nên năng suất ngày càng tăng cao”
Thăm hộ ông Pinăng Pin ở thôn Ma Rớ, nhờ kỹ sư Nại Thành An hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước đạt năng suất cao. Ông nói: “Trước đây, mình làm lúa, có vụ không đủ tiền để trả các khoản chi phí, nhưng từ ngày có cán bộ An giúp đỡ, mình và nhiều người biết làm lúa rồi. Mấy mùa vụ gần đây, hai sào lúa (2.000 m2) của mình đều cho hơn 20 bao lúa (khoảng 10 tạ). Cán bộ An còn chỉ cho bà con cách làm chuồng trại, cách chăm sóc, chăn nuôi bò, nên bò lớn nhanh và không còn bị bệnh nữa. Bà con mình ưng cái bụng lắm”.
Theo Chủ tịch UBND xã Katơr Thiếu, giờ đây, đồng bào dân tộc Ra Glai ở Phước Thành đã hiểu “làm theo” lời Bác dạy không hề khó, mà đơn giản bằng những việc làm cụ thể, đó là biết đoàn kết, biết nỗ lực vượt lên, chủ động xóa bỏ dần những tập quán không còn phù hợp. Nhờ đó, nếu năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 73%, thì trong năm 2013 giảm xuống còn 58% và đến năm 2014, giảm xuống còn 38,6%, Phước Thành đã trở thành xã giảm nghèo nhanh nhất tỉnh.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()