Xã Chi Lăng: Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi
– Xác định nguồn vốn vay ưu đãi có vai trò quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Từ đó, nguồn vốn phát huy hiệu quả, trở thành nguồn lực quan trọng giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.
Giữa tháng 8/2022, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng na của gia đình anh Vũ Xuân Vững, thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng trong lúc gia đình anh đang thu hoạch na. Anh Vững chia sẻ: Gia đình tôi trồng được hơn 2.000 cây na nhưng do thiếu vốn và điều kiện chăm sóc nên cây chậm phát triển. Năm 2019, nhờ được hướng dẫn của Hội Nông dân xã, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện và được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên diện tích na của gia đình tôi phát triển tốt. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập 200 triệu đồng từ na.
Người dân xã Chi Lăng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi chăm sóc cây na
Tương tự, gia đình anh Phan Văn Hội, thôn Làng Ngũa đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Anh Hội cho biết: Năm 2013, nhờ được vay 30 triệu đồng, gia đình tôi đã có vốn trồng 500 cây na. Sau một thời gian chăm sóc, đến năm 2018, gia đình tôi đã có thu nhập từ cây na và có tiền trả nợ ngân hàng. Sau đó tôi tiếp tục làm hồ sơ vay 50 triệu đồng để trồng cam và chăm sóc na. Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập ổn định.
Không chỉ 2 gia đình trên, thời gian qua, từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân trên địa bàn xã Chi Lăng phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả. Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi của xã đạt 14,6 tỷ đồng với 443 hộ còn dư nợ. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã đã xây dựng được các mô hình kinh tế có hiệu quả, đặc biệt là trồng cây ăn quả và phát triển kinh tế đồi rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng và chăm sóc được 420 ha na, gần 600 ha rừng.
Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Giảm nghèo xã Chi Lăng cho biết: Để nguồn vốn đạt hiệu quả, Ban Giảm nghèo xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quản lý hiệu quả các tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn của các hộ vay. Hằng năm, UBND xã kiểm tra 100% tổ tiết kiệm và vay vốn; các tổ chức đoàn thể và tổ vay vốn phối hợp kiểm tra các hộ vay mới sau 30 ngày. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có ý thức trả nợ, trả lãi đúng hạn. Đặc biệt, xã chú trọng đến hướng dẫn, tư vấn người dân sử dụng vốn đề đầu tư các mô hình phù hợp với hoàn cảnh gia đình, thế mạnh của xã về trồng rừng và cây ăn quả.
Ngoài ra, để giúp người dân phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi, hằng năm, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trực tiếp tại các thôn (bình quân mỗi năm tổ chức trên 20 lớp). Trong đó, tập trung chủ yếu vào kỹ thuật chăm sóc cây na, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con.
Nhờ vốn ưu đãi, đến nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 49,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2016; trung bình mỗi năm có 5 hoặc 6 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,91%.
“Chi Lăng là một trong những xã tiêu biểu trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Trong những năm qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn của xã hoạt động tốt, xã không có nợ quá hạn tỷ lệ thu lãi đạt 100%. Với những kết quả đó, tháng 8/2022, xã Chi Lăng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.” Bà Quách Thanh Huyền, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng |
Ý kiến ()