WWF ra mắt cuốn truyện tranh về rác thải nhựa
Truyện tranh “Bí ẩn của đảo Lớn” nhằm nâng cao nhận thức cho trẻ em về rác thải nhựa.
Giáo dục cho sự phát triển bền vững
Trẻ em ngày hôm nay sẽ lớn lên trong một thế giới rất khác với thế giới hiện nay. Các rủi ro về vấn nạn ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa và khai thác tài nguyên quá mức sẽ ngày một gia tăng. Trong khi những thay đổi về kinh tế, công nghệ và xã hội sẽ tạo ra nhu cầu mới và các cơ hội mới.
Để giúp các thế hệ học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn đối với những vấn đề và thách thức về môi trường trong tương lai, trong nhiều năm qua WWF đã đồng hành cùng các trường học, cơ quan và tổ chức giáo dục triển khai các hoạt động Giáo dục cho sự phát triển bền vững (Education for Sustainable Development, “ESD”) nhằm trang bị các kiến thức và nâng cao nhận thức cho các em. Không chỉ vậy, các hoạt động ESD còn thúc đẩy tư duy toàn diện, phản biện, sáng tạo và khả năng áp dụng nguyên tắc bền vững của các em trong cuộc sống hàng ngày.
Với mục tiêu đó, WWF Việt Nam phát triển và giới thiệu cuốn truyện tranh “Bí ẩn của đảo Lớn” như một món quà ý nghĩa và có tính xây dựng tích cực hơn trong ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong nỗ lực giảm rác nhựa đại dương của WWF-Việt Nam, được thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Nội dung cuốn truyện được xây dựng xung quanh cuộc phiêu lưu của đội thám tử nhí Châu-Bình-An trong hành trình khám phá bí ẩn về các sinh vật kỳ lạ và đáng sợ như con nhện với những cái chân bằng ống hút nhựa hay quái vật rác thải khổng lồ đang xuất hiện ngày một nhiều trên đảo Lớn. Thông qua cuốn truyện, WWF-Việt Nam hy vọng sẽ sẽ mang đến niềm vui và những phút giây hồi hộp cho các bạn đọc nhỏ tuổi. Quan trọng hơn, cuốn truyện sẽ giúp cho thế hệ trẻ nhận ra vai trò đặc biệt của mình, nhìn thấy các cơ hội để trưởng thành hơn và hành động tích cực hơn.
Báo động thực trạng rác thải nhựa tại Việt Nam
Tác hại của rác nhựa được mô tả qua truyện tranh.
Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và khoảng 5,1 triệu tấn rác thải nhựa trong năm 2018. Trong khi đó, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ được phân loại và tái chế, còn lại có đến 60-70% lượng rác thải sau khi được thu gom sẽ xử lý bằng cách chôn lấp ở những bãi không hợp vệ sinh (Ngân hàng Thế giới, 2018), và thậm chí là thải trực tiếp ra môi trường.
Theo các chuyên gia, nhiều thành phố ven biển Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cả về kinh tế và dân số, nhưng dịch vụ và cơ sở hạ tầng thu gom rác lại hầu như không theo kịp với tốc độ tăng trưởng này. Với khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác nhựa thải trực tiếp ra đại dương (Jambeck và cộng sự, 2015), Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia có lượng rác nhựa thải ra đại dương nhiều nhất.
Lượng rác thải nhựa này sau đó sẽ theo chân những con sóng để tràn vào những vùng ven biển. Điều này không chỉ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến không gian sống, mà còn kéo theo những nỗi lo về ô nhiễm môi trường, hay những hiểm hoạ về bệnh tật đối với hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là người dân ở các thành phố biển.
Nhiều thách thức trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa
Mặc dù thời gian gần đây, Việt Nam đã nỗ lực xúc tiến hoàn thiện khung pháp lý cũng như đề ra các kế hoạch cụ thể thông qua việc ban hành Chiến lược Quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch Hành động quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến 2030; Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững…, nhưng vẫn còn tồn đọng rất nhiều thách thức trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa.
Nhìn chung, kiến thức của cộng đồng xã hội nói chung về mối liên quan giữa việc xả thải rác nhựa và hậu quả tiêu cực lên môi trường và sức khỏe con người hiện vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, các vấn đề liên quan đến hậu quả về sinh thái mới chỉ được thảo luận giữa các nhà khoa học và rất ít khi được đề cập trước toàn thể công chúng.
Do đó, WWF Việt Nam khuyến cáo rằng, việc thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và giảm xả thải rác nhựa rất khó có thể giải quyết đơn thuần bởi các chính sách của chính phủ hay vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, mà còn cần đến sự chung tay của cộng đồng, các tổ chức xã hội cũng như các chương trình giáo dục và đào tạo trong và ngoài nhà trường.
Ý kiến ()