WTO sẽ có nữ Tổng Giám đốc đầu tiên
Người phát ngôn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông báo, cơ quan này sẽ có nữ lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử 25 năm thành lập.
Ngày 8/10, đại diện WTO có trụ sở tại Geneve (Thụy Sĩ) cho biết, hiện còn 2 nữ ứng cử viên đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc chạy đua trở thành tân Tổng Giám đốc WTO vào cuối năm nay gồm bà Ngozi Okonjo-Iweala (Nigeria) và bà Yoo Myung-hee (Hàn Quốc).
Quá trình lựa chọn tân Tổng Giám đốc WTO bắt đầu ngày 14/5 khi cựu Tổng Giám đốc Roberto Azevedo thông báo sẽ từ chức trước một năm so với thời hạn nhiệm kỳ. Sau đó, ông đã rời nhiệm sở ngày 31/8 vừa qua.
Trong thời gian đề cử kéo dài một tháng từ ngày 7/6-7/7, có tổng cộng 8 ứng cử viên đã được giới thiệu gồm Tiến sĩ Jesus Seade Kuri của Mexico, Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria, ông Abdel-Hamid Mamdouh của Ai Cập, ông Tudor Ulianovschi của Moldova, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee, Bộ trưởng Nội các về giáo dục Kenya Amina C. Mohamed, ông Mohammed Maziad Al-Tuwaijri của Saudi Arabia và Tiến sĩ Liam Fox của Anh.
Ứng viên Okonjo-Iweala của Nigeria là nữ Bộ trưởng Tài chính và cũng là nữ Ngoại trưởng đầu tiên của nước này, bà từng là giám đốc nhiều chương trình của Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch GAVI – Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.
Còn bà Yoo Myung-hee là nữ Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của Hàn Quốc, từng là quan chức đặc trách hồ sơ Tổ chức Thương mại Thế giới ở Bộ Thương mại Hàn Quốc hồi năm 1995 và là người chỉ đạo các cuộc thương thuyết về các thỏa thuận thương mại tự do, nhất là với Trung Quốc. Bà là Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc giai đoạn 2007-2010.
Tổng Giám đốc tiếp theo của WTO sẽ đảm nhận quyền kiểm soát tổ chức này, đấu tranh để ngăn chặn các xung đột thương mại giữa các quốc gia thành viên, đáng chú ý nhất là Mỹ và Trung Quốc. Tân Tổng Giám đốc WTO cũng sẽ phải đối đầu những thiệt hại do đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến thương mại và gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng.
WTO được thành lập vào năm 1995 với mục đích thúc đẩy thương mại mở vì lợi ích của tất cả các quốc gia, đàm phán và quản lý những quy tắc thương mại quốc tế và nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa 164 quốc gia thành viên của tổ chức này.
Ý kiến ()