World Cup 2022: 'Chất xúc tác' cho sự phát triển kinh tế của Qatar
Đăng cai World Cup 2022 được xem như một phương tiện để đạt QNV 2030, một sáng kiến của Chính phủ Qatar để biến đổi đất nước này thành một xã hội toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ngày 20/11 tới, World Cup 2022 sẽ chính thức khởi tranh tại Qatar, đánh đấu lần đầu tiên sự kiện thể thao được thế giới mong đợi nhất này diễn ra tại khu vực Trung Đông.
Đối với Doha, đây là một chiến lược nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về lâu dài.
Thực vậy, đăng cai World Cup 2022 được xem như một phương tiện để đạt Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030 (QNV 2030), một sáng kiến của Chính phủ Qatar nhằm biến đổi vương quốc nhỏ bé này thành một xã hội toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Kế hoạch phát triển quốc gia theo QNV 2030 bao gồm nhiều dự án trực tiếp gắn liền với World Cup 2022 và nhằm tăng khả năng bền vững sau giải đấu.
Qatar đã xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết để đón khoảng 1,2 triệu du khách trong một tháng diễn ra sự kiện này, tương đương 1/2 dân số nước này.
Bên cạnh việc xây dựng các sân vận động hiện đại và tân tiến nhất, Qatar đã đưa vào sử dụng một hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, mở rộng giao thông và xây dựng các quận mới trong thủ đô Doha. Theo nhiều ước tính khác nhau, Qatar chi tổng cộng 200 tỷ USD cho các dự án này.
Nền kinh tế Qatar vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu nhiên liệu. Đây là nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn thứ 3 thế giới và là một trong nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Tuy các nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong sự thịnh vượng của Qatar, nhưng các sức mạnh thị trường dựa vào xuất khẩu năng lượng cũng đối mặt với sự bấp bênh về thu nhập.
Vì vậy, nước này đã chuyển hướng đến các mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế không phụ thuộc vào năng lượng, với tham vọng trở thành một trung tâm về kinh doanh và du lịch của toàn khu vực. Đăng cai World Cup 2022 chính là “chìa khóa” để thực hiện các tham vọng này.
Từ năm 2013-2018, thị phầm khí đốt trong GDP đã giảm từ 55% xuống còn 39%, một phần cho thấy ngân sách tăng cho công tác chuẩn bị World Cup. Lý do là giải đấu này đã giúp sự phát triển các lĩnh vực phi năng lượng quan trọng và tăng trưởng bền vững của các lĩnh vực này sẽ là ưu tiên của Qatar sau khi World Cup kết thúc.
Bên cạnh đa dạng hóa nền kinh tế, Qatar cũng nhắm đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tháng 6/2017, một liên minh các quốc gia Arab đã áp đặt một lệnh cấm vận ngoại giao và kinh tế đối với Qatar khiến dòng FDI vào nước này sụt giảm mạnh.
Tháng 1/2021, các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã ký tuyên bố Al Ula dỡ bỏ các lệnh cấm vận này. Tuy nhiên, các dòng FDI vẫn còn chững lại. Đăng cai World Cup có thể thúc đẩy sự phục hồi mạnh của FDI, đặc biệt sau khi nước này gần đây đã có nhiều biện pháp nhằm thu hút FDI.
Năm 2018, Qatar đã “trải thảm đỏ” bằng việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn tại tất cả các lĩnh vực nhằm tạo điều kiện cho dòng FDI, đồng nghĩa với việc dỡ bỏ hoàn toàn giới hạn 49% áp dụng trước đó.
Năm 2020, Qatar đã thực thi đạo luật về Đối tác công-tư, cho phép các nhà đầu tư đồng sở hữu các tài sản hạ tầng được xây dựng theo thỏa thuận dài hạn. Qatar hy vọng các nhà đầu tư sẽ bị thu hút bởi sự phát triển hạ tầng, tăng trưởng kinh tế của nước này liên quan đến World Cup.
Tuy nhiên, bất chấp những thuận lợi tiềm năng nhờ World Cup, việc đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế thường nổi tiếng về việc ít thu lời từ đầu tư.
Các dự báo cho thấy nền kinh tế Qatar sẽ tăng trưởng 3,4% vào năm 2022 và 2023 nhờ “cú hích” mang tên World Cup, nhưng sau đó sẽ chậm lại còn 1,7% vào năm 2024. Thách thức đặt ra là phải tận dụng các đầu tư hạ tầng lớn để đạt tăng trưởng GDP bền vững.
Nước này dự định biến đổi các sân vận động lớn với sức chứa 40.000 người xuống còn 20.000 người để dành cho các đội bóng địa phương. Trong khi đó, các sân vận động nhỏ hơn sẽ được biến thành các cơ sở thương mại, giáo dục và y tế. Việc tiếp tục đầu tư vào hiện đại hóa hạ tầng cơ sở có thể dẫn tới mở rộng các sáng kiến giao thông vận tải, thương mại và kinh tế./.
Ý kiến ()