WHO, UNESCO và UNICEF họp bàn biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ tại trường học
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 15-9 đã tổ chức họp báo trực tuyến về vấn đề mở cửa lại trường học trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, kể từ khi đại dịch bùng phát, việc tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của Covid-19 đối với trẻ em luôn là vấn đề ưu tiên.
“Sau chín tháng thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19, dù vẫn còn nhiều câu hỏi nhưng chúng ta đang bắt đầu có một bức tranh rõ ràng hơn. Chúng ta biết rằng trẻ em và thanh niên có thể bị lây bệnh và truyền bệnh sang người khác. Chúng ta biết rằng, virus (SARS-CoV-2) có thể cướp đi tính mạng của trẻ em, nhưng trẻ nhỏ có xu hướng mắc bệnh dạng nhẹ hơn và có rất ít ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 là trẻ em, thanh niên”, ông Ghebreyesus nói.
Số liệu thống kê cho thấy, chưa đến 10% số ca bệnh được báo cáo vào 0,2% số ca tử vong là người dưới 20 tuổi. Song ông Ghebreyesus cho rằng, cần nghiên cứu thêm các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra các ca bệnh nặng và tử vong ở trẻ nhỏ và thanh niên. Người đứng đầu WHO lưu ý, những ảnh hưởng lâu dài mà Covid-19 gây ra đối với cơ thể người vẫn còn là ẩn số.
Trường học là một phần của cộng đồng. Trên thực tế, trường học kết nối các cộng đồng. Các biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ lây lan Covid-19 trong cộng đồng cũng sẽ làm giảm nguy cơ này trong trường học. Tổng Giám đốc WHO kêu gọi: “Bảo đảm an toàn cho trẻ em tại trường học không chỉ là công việc của riêng nhà trường, chính phủ hay gia đình. Đó là công việc của tất của chúng ta, chúng ta phải cùng nhau hành động”. Ông cho rằng, việc kết hợp đúng đắn các biện pháp có thể giúp trẻ em được an toàn.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho rằng, các quốc gia có thể mở lại trường học một cách an toàn với các quy định mới. Theo bà, việc này đòi hỏi phải “xem xét lại vai trò và công tác giảng dạy của giáo viên”. Bà Azoulay nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là giáo dục và y tế cần phối hợp chặt chẽ để bảo đảm vấn đề ưu tiên là mở cửa trường học một cách an toàn.
“Khi chúng ta giải quyết vấn đề giáo dục, quyết định chúng ta đưa ra hôm nay sẽ ảnh hưởng đến thế giới ngày mai”, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết.
Tại cuộc họp báo, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho rằng, thực trạng hoạt động của trường học bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra “tình trạng khẩn cấp giáo dục toàn cầu”, có thể khiến 24 triệu trẻ em phải bỏ học.
Trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, 192 quốc gia đã đóng cửa trường học, 1,6 tỷ học sinh không thể tham gia các lớp học trực tiếp. Đến nay, hơn 870 triệu học sinh, tương đương 50% số học sinh, sinh viên trên thế giới, vẫn chưa thể quay lại trường học.
Bà Fore nêu số liệu, hơn 460 triệu học sinh trên toàn cầu không thể truy cập internet, sử dụng máy tính hoặc thiết bị di động để học trực tuyến trong lúc trường học phải đóng cửa.
“Nghỉ học càng lâu, trẻ càng có ít cơ hội quay lại trường học. Đó là lý do chúng tôi luôn hối thúc các chính phủ ưu tiên mở cửa trở lại trường học khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ”, bà Fore nói. Giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh, ngoài giáo dục, các trường học trên thế giới còn cung cấp cho các em học sinh nguồn dinh dưỡng và cơ hội được tiêm phòng.
Trước đó, ngày 14-9, UNESCO, UNICEF và WHO đã cùng công bố tài liệu gồm 10 trang, hướng dẫn các chính phủ mở cửa trở lại và điều hành trường học trong bối cảnh đại dịch tiếp diễn.
Tài liệu này hướng dẫn chi tiết hàng loạt biện pháp mà các cộng đồng, trường học, lớp học và cá nhân nên cân nhắc khi quyết định có mở lại trường học hay đến trường hay không. Trong đó, có một số biện pháp chính sách như động viên học sinh ở nhà nếu các em cho rằng mình đã tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, khuyến khích trường học bảo đảm lớp học trong nhà có hệ thống thông gió phù hợp.
Ý kiến ()