WHO: Thế giới cần tăng cường nỗ lực để đẩy lùi bệnh sốt rét
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14/12 cho biết, bất chấp tiến bộ lớn đã đạt được trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, dịch bệnh do muỗi gây ra này vẫn là một vấn đề y tế công cộng cấp tính, đặc biệt ở khu vực cận Sahara châu Phi – nơi có tới 90% số ca mắc sốt rét trên thế giới.
Ông Pedro Alonso, Giám đốc Chương trình sốt rét toàn cầu của WHO cho biết, mặc dù tiến bộ đạt được trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này được nhìn thấy rõ ràng, nhưng thế giới vẫn phải nỗ lực rất nhiều để có thể đánh bại dịch bệnh này.
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng, có 212 triệu ca mắc sốt rét và 429.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới năm 2015. Trong năm 2015, khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi là nơi có tới 90% số ca mắc sốt rét và 92% số trường hợp tử vong. Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm tới 70% tổng số ca tử vong vì sốt rét.
Tại nhiều nước, hệ thống y tế yếu kém và nghèo nàn, làm hạn chế việc tiếp cận với những người nguy cơ mắc sốt rét. Trong năm 2015, có tới 36% trẻ em bị sốt nhưng không được đưa đến các cơ sở y tế để chăm sóc tại 23 quốc gia.
Cũng trong năm 2015, khoảng 43% dân số khu vực cận Sahara châu Phi không được bảo vệ bởi màn tẩm thuốc chống muỗi hoặc nhà của họ không được phun thuốc diệt muỗi.
Tại Hội đồng Y tế Thế giới năm 2015, các nước thành viên đã thông qua Chiến lược Kỹ thuật Toàn cầu về bệnh sốt rét giai đoạn 2016 – 2030, đặt mục tiêu tham vọng vào năm 2030 với các mốc 5 năm để theo dõi sự tiến bộ.
Loại bỏ bệnh sốt rét ở ít nhất 10 quốc gia là mục tiêu vào năm 2020. Báo cáo cho thấy, triển vọng để đạt được mục tiêu này là khả quan, khi mà vào năm 2015, có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã báo cáo có ít hơn 150 trường hợp mắc sốt rét và 9 quốc gia báo cáo có từ 150 đến 1000 trường hợp mắc sốt rét.
Các nước có ít nhất 3 năm không ghi nhận trường hợp nào mắc sốt rét có thể áp dụng chứng nhận của WHO về việc loại bỏ sốt rét. Trong vài tháng gần đây, Tổng Giám đốc WHO cho biết, Kyrgyzstan và Sri Lanka đã loại bỏ được sốt rét.
Tháng trước, WHO đã thông báo rằng, vắc xin sốt rét đầu tiên sẽ được triển khai thông qua các dự án thí điểm ở ba quốc gia ở cận Sahara châu Phi. Việc tiêm chủng sẽ được bắt đầu vào năm 2018.
Theo WHO, việc tài trợ ổn định và đầy đủ để kiểm soát bệnh sốt rét là một thách thức lớn. Mặc dù có sự gia tăng đột biến về đầu tư toàn cầu cho bệnh sốt rét trong giai đoạn 2000 – 2010, nhưng từ đó đến nay số tiền này chỉ được biểu thị bằng đường nằm ngang. Năm 2015, tổng số tiền tài trợ cho cuộc chiến chống bệnh sốt rét trên toàn cầu là 2,9 tỷ USD, chỉ tương ứng với 45% mục tiêu đề ra đến năm 2020 (6,4 tỷ USD)./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()