WHO: Siết chặt hơn việc đeo khẩu trang tại vùng dịch COVID-19
Ngày 2/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành những hướng dẫn mới, trong đó siết chặt hơn việc đeo khẩu trang tại các vùng lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
WHO cũng khuyên người dân nếu ở các địa điểm trong nhà không đủ thoáng khí, thì nên đeo khẩu trang thường (không phải khẩu trang y tế) bất kể có duy trì được khoảng cách ít nhất là 1 m hay không. WHO cũng khuyến nghị đeo khẩu trang các loại tại toàn bộ các cơ sở y tế kể cả những khu vực chung như quán cà phê và phòng làm việc cho nhân viên.
Còn đối với nhân viên y tế, WHO cho rằng lực lượng này nên đeo khẩu trang N95 khi chăm sóc các bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, WHO cho rằng biện pháp bảo vệ tốt nhất đã được chứng minh là nhân viên y tế phải đeo khẩu trang N95 hoặc tương đương, cùng kính bảo hộ hoặc tấm che mặt, áo choàng và găng tay.
Châu Âu ban hành hướng dẫn phòng dịch dịp lễ
Ngày 2/12, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các quốc gia thành viên củng cố hệ thống y tế và áp đặt các biện pháp hạn chế đối với các sự kiện tập trung đông người trước thềm dịp lễ Giáng sinh sắp tới, nhằm tránh tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19.
Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc chính phủ các nước thành viên duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trong dịp lễ Giáng sinh, đồng thời yêu cầu người dân tự cách ly trước và sau khi tham gia các sự kiện tập trung đông người nếu những quy định về các cuộc tụ tập này tạm thời được nới lỏng trong mùa lễ hội. Thời gian tự cách ly ít nhất là 7 ngày. Các quốc gia cũng cần cân nhắc việc cấm các sự kiện tập trung đông người, trong khi cần có quy định rõ ràng đối với những hoạt động quy mô nhỏ.
EC cũng khuyến khích các quốc gia thành viên EU sử dụng “bong bóng hộ gia đình” để hạn chế tiếp xúc xã hội nếu các nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong các dịp lễ sắp tới. Các nước cũng nên kéo dài các kỳ nghỉ của học sinh hoặc triển khai học trực tuyến một thời gian sau các dịp lễ hội nói trên. Các bệnh viện cũng nên chuẩn bị khả năng sẵn sàng ứng phó về mặt nhân lực và kết nối với các chương trình của EU nhằm bảo đảm đầy đủ các thiết bị bảo hộ khi cần thiết.
EC kêu gọi các nước EU tăng cường khả năng xét nghiệm để phát hiện sớm các ổ dịch và hoạt động giao thông công cộng nếu có thể nhằm tránh tình trạng quá đông người cùng có mặt trên một phương tiện. Đeo khẩu trang cũng phải trở thành quy định bắt buộc khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Sau khi số ca mắc mới bệnh COVID-19 tăng vọt trong tháng 10, 11 vừa qua, nhiều quốc gia châu Âu đã áp đặt các biện pháp phong tỏa và hạn chế xã hội nghiêm ngặt hơn để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Ý kiến ()