WHO muốn đánh giá dữ liệu an toàn về vaccine ngừa Covid-19 của Nga
Ngày 11-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, bất kỳ chứng nhận nào của tổ chức này đối với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cũng sẽ đòi hỏi quy trình đánh giá khắt khe về dữ liệu an toàn.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19.
Phát biểu với báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết, tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga. Các cuộc thảo luận đang tập trung vào khả năng WHO thông qua chất lượng vaccine. Người phát ngôn nhấn mạnh, quá trình này đòi hỏi việc xem xét và đánh giá nghiêm ngặt tất cả dữ liệu an toàn và hiệu quả.
Cùng ngày, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 mà Nga mới phát triển. Ông cho biết, cùng với các đối tác nước ngoài, Nga đang chuẩn bị sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine/năm tại năm quốc gia, hướng tới việc tăng cường năng lực sản xuất hơn nữa. Cho đến nay, các nước tại Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đều tỏ ra rất quan tâm tới vaccine này và RDIF đang hoàn tất một số hợp đồng đặt mua vaccine.
Vaccine của Nga hiện vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ ba với sự tham gia của hàng nghìn người để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả. Ông Dmitriev nhấn mạnh giai đoạn thử nghiệm này sẽ được tiến hành ở nước ngoài. Nga đã đạt được thỏa thuận tiến hành thử nghiệm vaccine mới với các đối tác tới từ Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), A-rập Xê-út và một số nước khác.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine ngừa Covid-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Nga cho biết, bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa Covid-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.
Thông cáo báo chí khẳng định, kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả, có độ an toàn cao và khả năng miễn dịch kéo dài đến hai năm. Việc bào chế loại vaccine này sẽ được thực hiện tại hai cơ sở ở Nga gồm Viện Gamaleya và Công ty Binnopharm.
Theo thống kê của WHO tính đến ngày 31-7, tổng cộng có 165 vaccine ngừa Covid-19 đang được bào chế trên toàn thế giới. Trong số này, có 139 vaccine vẫn đang trong giai đoạn đánh giá, trong khi 26 loại khác đang được thử nghiệm trên người ở nhiều giai đoạn khác nhau, với sáu loại bước sang giai đoạn 3 về đánh giá lâm sàng.
Ý kiến ()