WHO khuyến cáo giám sát chặt diễn biến dịch cúm H7N9
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định nguy cơ lây lan chủng cúm gia cầm H7N9 giữa người và người ở Trung Quốc là thấp nhưng cần giám sát chặt chẽ đề phòng diễn biến phức tạp của dịch bệnh này.
Ông Wenqing Zhang, người phụ trách chương trình cúm toàn cầu của WHO cho biết Trung Quốc đang hứng chịu đợt dịch thứ 5 cúm gia cầm H7N9 ở người – chủng cúm nguy hiểm lần đầu tiên phát hiện ở người vào năm 2013.
Từ tháng 10/2016 đến nay, Trung Quốc ghi nhận số người bị nhiễm virus H7N9 là 460 trường hợp, tăng nhiều lần so với năm trước 2016 và tăng gấp 3 lần so với năm 2013.
Bày tỏ quan ngại về tình hình dịch cúm H7N9 ở người tại Trung Quốc, WHO khẳng định chưa có bằng chứng nào chứng minh các yếu tố dịch tễ học của các trường hợp nhiễm bệnh, như độ tuổi, giới tính, tiền sử phơi nhiễm, đang thay đổi. Tuy nhiên, có 7% các ca nhiễm bệnh trong năm 2017 cho thấy phản ứng kháng thuốc chống virus.
Hiện WHO đang tiếp tục theo dõi diễn tiến, đồng thời khẳng định chưa có lý do gì để đưa ra khuyến cáo người bệnh thay đổi phương pháp điều trị.
Tổ chức này cũng cho biết phần lớn các chủng cúm từng xuất hiện đều có nguy cơ rất thấp đối với con người, song các nhà virus học và chuyên gia y tế cộng đồng lo ngại rằng sự xuất hiện cùng lúc của các chủng virus tại nhiều nơi trên thế giới có thể khiến làm tăng nguy cơ khiến chúng hòa trộn và biến đổi, khiến chúng dễ lây sang người.
WHO lưu ý kể từ khi xuất hiện có đến nay chỉ có chủng H5N1 và H5N6 có khả năng lây bệnh cho người, nhưng cơ quan này đang hợp tác với Tổ chức Sức khỏe động vật của Liên Hợp Quốc (OIE), để kiểm soát sự phát triển của chủng virus H7N9.
Liên quan đến dịch cúm H7N9, công bố mới nhất của Sở Kiểm soát dịch bệnh Đài Loan (Trung Quốc) ngày 1/3 cho biết, ca nhiễm cúm H7N9 đầu tiên trong năm 2017 tại Đài Loan (được xác định vào đầu tháng 2) đã tử vong ngày 27/2, sau 27 ngày được cứu chữa.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()