WHO kêu gọi miễn trừ nợ cho các nước đang phát triển
Nhân viên y tế tại khu vực điều trị Covid-19 của Bệnh viện đa khoa Rajiv Ghandhi ở Chennai, Ấn Độ.
Theo ông Ghebreyesus, trong năm tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới đã tăng theo cấp số nhân và xuất hiện tại gần như mọi quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực trên thế giới. Số ca tử vong do Covid-19 trong tuần này đã tăng gấp hơn hai lần so với tuần trước.
Dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ tương đối thấp nhưng WHO nhận thấy rằng, dịch bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị tại những khu vực này. “Việc rất quan trọng là chúng ta cần bảo đảm rằng các quốc gia trong các khu vực này đều trang bị đầy đủ để phát hiện, làm xét nghiệm, cách ly, điều trị cho người bệnh, xác định những người đã tiếp xúc với người bệnh”, ông Ghebreyesus lưu ý tại cuộc họp báo ngày 1-4.
Nhiều quốc gia đang yêu cầu người dân ở nhà và hạn chế đi lại. Tổng Giám đốc WHO cho rằng, biện pháp này có thể giúp hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhưng cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường đối với những nước nghèo nhất và những người dễ bị tổn thương nhất.
“Tôi kêu gọi các chính phủ đưa ra biện pháp về phúc lợi xã hội để bảo đảm những người dễ bị tổn thương có thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác trong thời gian xảy ra khủng hoảng”, ông Ghebreyesus hối thúc.
Tổng Giám đốc WHO lấy thí dụ, Thủ tướng Ấn Độ vừa qua đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 24 tỷ USD, trong đó cung cấp thực phẩm miễn phí cho 800 triệu người có hoàn cảnh khó khăn, chuyển tiền cho 204 triệu phụ nữ nghèo và phát miễn phí gas nấu ăn cho 80 triệu hộ gia đình trong ba tháng tới.
Ông cho rằng, nhiều quốc gia đang phát triển sẽ phải chật vật thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội có tính chất tương tự chương trình của Ấn Độ. Do đó, WHO, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ủng hộ miễn trừ nợ để giúp các nước đang phát triển đối mặt với các hậu quả về xã hội và kinh tế do đại dịch gây ra.
Ý kiến ()