WHO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống bệnh lao
WHO kêu gọi toàn thế giới tăng cường ứng phó với bệnh lao thông qua thực hiện các ưu tiên, nhằm đưa thế giới đi đúng hướng, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2022
Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24/3, Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã gửi thư tới Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao Vũ Đức Đam, trong đó đánh giá cao kết quả của Việt Nam về phòng chống lao của Việt Nam thời gian qua.
Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Kidong Park đã mời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia chiến dịch toàn cầu nhân Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay.
Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2021 với chủ đề “Đồng hồ đã điểm”, WHO kêu gọi toàn thế giới tăng cường ứng phó với bệnh lao thông qua thực hiện các ưu tiên, nhằm đưa thế giới đi đúng hướng, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2022; xa hơn nữa là phù hợp với nỗ lực tăng cường ứng phó với đại dịch COVID-19 và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Các ưu tiên mà WHO đưa ra gồm: duy trì cam kết từ các lãnh đạo cấp cao nhằm vận động nguồn kinh phí bền vững dành cho bệnh lao; khẳng định lại cam kết thực hiện Tuyên bố chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2018 về bệnh lao, vạch ra tiến trình và các bước tiếp theo, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc tổ chức cuộc họp cấp cao tiếp theo về bệnh lao vào năm 2023.
Ưu tiên tiếp theo là thúc đẩy tiếp cận trách nhiệm đa ngành nhằm chấm dứt bệnh lao; hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu để đảm bảo tất cả những người mắc lao đều được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng với giá cả phải chăng và giải quyết những thách thức chưa được báo cáo; mở rộng hoạt động phát hiện chủ động kết hợp với điều trị dự phòng lao; tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao.
TheoWHO, lao là một bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi ngày, gần 4.000 người đã tử vong và gần 30.000 người bị ảnh hưởng về sức khỏe do mắc bệnh lao. Năm 2015, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về công tác chống lao năm 2018, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã tái khẳng định chương trình nghị sự về phát triển bền vững, quyết tâm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Chương trình hướng tới chẩn đoán và điều trị thành công 40 triệu người mắc lao từ năm 2018-2022.
Chương trình cam kết huy động kinh phí đầy đủ và bền vững từ tất cả các nguồn cho tiếp cận phổ cập các dịch vụ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc lao, nhằm tăng đầu tư toàn cầu cho việc chấm dứt bệnh lao, đạt ít nhất 13 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2022.
Sau cuộc họp này, tổng số người được điều trị lao đã tăng lên, với hơn 14 triệu người được tiếp cận dịch vụ chăm sóc lao. Tuy nhiên, việc tiếp cận công bằng các dịch vụ chẩn đoán, dự phòng, điều trị và chăm sóc chất lương, kịp thời vẫn là một thách thức.
Mức đầu tư hàng năm trên toàn cầu cho bệnh lao vẫn thấp hơn một nửa so với con số đã cam kết. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 cũng làm tăng gánh nặng cho cuộc chiến chống bệnh lao, dẫn tới việc phát hiện bệnh lao giảm trung bình 20% trên toàn cầu vào năm 2020.
Ở Việt Nam, gánh nặng bệnh lao đã giảm đáng kể. Trong năm 2020, tỷ lệ phát hiện bệnh lao đã giảm 3,1%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất. Ước tính có 170.000 ca mắc bệnh lao mới tại Việt Nam vào năm 2019./.
Ý kiến ()