WHO cấp phép lưu hành khẩn cấp vắcxin của Pfizer-BioNTech
WHO cho biết việc phê chuẩn cho sử dụng khẩn cấp vắcxin của Pfizer/BioNTech sẽ mở đường cho các cơ quan quản lý ở các nước phê duyệt việc nhập khẩu và phân phối vắcxin.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 31/12 đã cấp phép lưu hành khẩn cấp vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19 do các công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế, mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới nhanh chóng phê duyệt nhập khẩu và phân phối loại vắcxin này.
WHO nêu rõ, vắcxin của Pfizer/BioNTech là loại vắcxin đầu tiên được tổ chức này phê chuẩn lưu hành khẩn cấp kể từ khi các ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc một năm trước đây.
Quan chức hàng đầu của WHO phụ trách việc bảo đảm tiếp cận vắcxin, bà Mariangela Simao cho rằng đây là bước đi rất tích cực nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19. Tuy nhiên, bà Simao nhấn mạnh toàn thế giới vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có đủ nguồn cung vắcxin đáp ứng nhu cầu của những nhóm người được ưu tiên ở khắp mọi nơi.
WHO cho biết việc phê chuẩn cho sử dụng khẩn cấp vắcxin của Pfizer/BioNTech sẽ mở đường cho các cơ quan quản lý ở các nước phê duyệt việc nhập khẩu và phân phối vắcxin . Quyết định này cũng tạo điều kiện cho các tổ chức đóng vai trò hậu cần quan trọng trong phân phối vắcxin phòng ngừa bệnh COVID-19 như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hay Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO).
WHO đã triệu tập các chuyên gia của tổ chức này và những chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới để đánh giá tính “an toàn, hiệu quả và chất lượng”, đồng thời cân nhắc lợi ích và rủi ro của sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech. Các chuyên gia xác định vắcxin Pfizer/BioNTech đáp ứng tiêu chí bắt buộc về an toàn và hiệu quả theo quy định của WHO, trong khi lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội những rủi ro tiềm tàng.
Ngày 8/12 vừa qua, Anh đã bắt đầu cho tiêm chủng vắcxin Pfizer/BioNTech trên diện rộng, sau đó là Mỹ, Canada và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU)./.
Ý kiến ()