WHO cảnh báo tình trạng phân phối vaccine “bất bình đẳng” trên thế giới
Giám đốc Chương trình Các tình huống Khẩn cấp Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng phân phối vaccine không công bằng, coi đây là một sự thất bại về khía cạnh đạo đức và là “một cơ hội bị bỏ lỡ”.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố Berlin, Đức, ngày 22/3. Hiện số ca nhiễm COVID-19 tại Đức đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. |
Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 22/3, ông Ryan đã tỏ rõ quan ngại khi số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã tăng 12% trong tuần trước. Từ đó, quan chức của WHO nhấn mạnh, không hề tồn tại một “giải pháp vàng” để kết thúc đại dịch.
Ông Ryan chỉ ra rằng nhiều nước hiện đang theo đuổi chiến lược tiếp nhận đủ vaccine và tiêm đầy đủ vaccine cho người dân, với giả thuyết rằng, việc tiêm chủng sẽ giúp đẩy lùi đại dịch COVID-19.
“Tuy nhiên, tôi rất tiếc khi thực tế lại không phải vậy. Thế giới không có đủ lượng vaccine và chúng đang được phân phối bất hợp lý một cách khủng khiếp… Trên thực tế thì chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để điều phối vaccine như một biện pháp toàn diện để đẩy lùi dịch bệnh. Đó không chỉ là một thất bại nghiêm trọng về mặt đạo đức mà còn là một thất bại về dịch tễ học” – ông Ryan nói.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng lên tiếng chỉ trích tình trạng gia tăng khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo xét về số lượng vaccine đã sử dụng, đồng thời gọi tình trạng bất công trong hoạt động tiêm chủng hiện nay “gây phẫn nộ trên khía cạnh đạo đức”.
Người đứng đầu WHO đánh giá, sự bất công trong phân phối vaccine không chỉ là vấn đề về mặt đạo đức, mà là hành động tự hại mình về mặt kinh tế và dịch tễ học. Nếu virus lây lan càng nhiều, sẽ có thêm nhiều biến thể xuất hiện, dẫn tới tới khả năng chúng sẽ “qua mặt” vaccine đã được bào chế và phát triển.
“Nhiều quốc gia đang tiêm chủng cho những người trẻ hơn, khỏe mạnh có nguy cơ mắc bệnh thấp, với cái giá phải trả là tính mạng của các nhân viên y tế, người lớn tuổi và những người thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh ở các nước khác… Một số nước đang chạy đua để tiêm chủng cho toàn bộ dân số, trong khi các nước khác lại chẳng có liều vaccine nào ” – Tổng Giám đốc WHO chỉ rõ.
Thông điệp trên được các nhà lãnh đạo của WHO đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã có dấu hiệu gia tăng trở lại vào tuần trước. Châu Á là nơi ghi nhận tỷ lệ gia tăng số các ca nhiễm COVID-19 cao nhất, với 49% (Ấn Độ chiếm phần lớn trong số này). Một điểm nóng dịch bệnh khác trong tuần qua là Tây Thái Bình Dương, trong đó Philippines và Papua New Guinea chiếm phần lớn trong mức tăng 29% tại khu vực này.
Theo thống kê mới nhất của WHO, hiện đang có 264 ứng cử viên vaccine COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới, với 82 loại vaccine trong số này đang ở giai đoạn thử nghiệm tại các nước gồm: Đức, Trung Quốc, Nga, Anh và Mỹ.
Số liệu do hãng thông tấn Pháp AFP vừa công bố cũng cho thấy, hiện có hơn 455 triệu liều vaccine đã được sử dụng để tiêm chủng tại 162 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều đáng nói là 56% lượng vaccine trong số đó đã được tiêm chủng tại các nước có thu nhập cao chỉ chiếm 16% dân số toàn cầu, trong khi chỉ có 0,1% được tiêm chủng tại 29 nước có thu nhập thấp nhất thế giới vốn chỉ chiếm 9% dân số thế giới./.
Ý kiến ()