WHO cảnh báo thế giới cần sẵn sàng ứng phó với các đại dịch trong tương lai
Tuần này đánh dấu một năm kể từ ngày WHO được biết đến các ca bệnh “viêm phổi không rõ nguyên nhân” thông qua thông cáo do các nhà chức trách của TP Vũ Hán (Trung Quốc) và chương trình theo dõi các bệnh mới xuất hiện ProMed công bố.
Ngày 28-12, WHO cảnh báo, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn cầu, nhưng nguy cơ tồi tệ hơn vẫn còn ở phía trước, theo đó hối thúc thế giới cần nghiêm túc chuẩn bị ứng phó.
Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan nhấn mạnh “đây là lời kêu gọi cảnh tỉnh”. Theo ông Ryan, đại dịch đang hoành hành rất nghiêm trọng, lây lan nhanh và ảnh hưởng tới mọi khu vực, nhưng tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với các dịch bệnh khác. Do đó, thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khả năng xảy ra dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho rằng, dù đang đạt được tiến bộ khoa học lớn giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19, bao gồm việc nhanh chóng bào chế vaccine, song thế giới vẫn chưa thật sự chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Theo ông, dù nhiều nơi đã bước vào làn sóng thứ hai và thứ ba của dịch Covid-19, nhưng thế giới chưa sẵn sàng giải quyết tình trạng này. Chính vì vậy, các nước cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó không chỉ trong làn sóng dịch bệnh hiện nay, mà còn những dịch bệnh tiếp theo.
Về phần mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ hy vọng rằng đại dịch Covid-19 có thể giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn cho các mối đe dọa trong tương lai. Ông cũng hoan nghênh những nỗ lực hợp tác của các nhà khoa từ khắp nơi trên thế giới trong việc chấm dứt đại dịch. Về hai biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Anh và Nam Phi, ông Ghebreyesus nêu rõ, WHO đang làm việc với các nhà khoa học của hai nước để đề ra các bước đi tiếp theo. Ông khẳng định: “Khoa học sẽ dẫn dắt hành động của chúng ta”.
Theo thống kê của Worldometers, tính đến 8 giờ ngày 29-12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 81.174.411 ca mắc Covid-19, trong đó 1.771.860 người đã tử vong và 57.283.568 người đã hoàn toàn bình phục.
Tại Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu thông qua đề nghị của Tổng thống Donald Trump nâng mức hỗ trợ cho người dân từ 600 USD/người lên 2.000 USD/người để giảm tác động của dịch bệnh.
Trước đó, ngày 27-12, Tổng thống Trump đã ký ban hành luật về gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD. Trong khuôn khổ gói cứu trợ, mỗi người dân Mỹ với thu nhập dưới 75.000 USD/năm hoặc các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD/năm sẽ được hỗ trợ 600 USD/người. Ngoài ra, mỗi thành viên phụ thuộc dưới 18 tuổi trong cùng một hộ gia đình cũng được nhận 600 USD.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 29-12 (giờ Việt Nam):
Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 19.776.662 ca mắc, 343.100 ca tử vong
2. Ấn Độ: 10.224.797 ca mắc, 148.190 ca tử vong
3. Brazil: 7.506.890 ca mắc, 191.641 ca tử vong
4. Nga: 3.078.035 ca mắc, 55.265 ca tử vong
5. Pháp: 2.562.646 ca mắc, 63.109 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 719.219 ca mắc, 21.452 ca tử vong
2. Philippines: 470.650 ca mắc, 9.124 ca tử vong
3. Myanmar: 122.534 ca mắc, 2.618 ca tử vong
4. Malaysia: 106.690 ca mắc, 455 ca tử vong
5. Singapore: 58.529 ca mắc, 29 ca tử vong
6. Thái Lan: 6.285 ca mắc, 60 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.451 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 364 ca mắc
9. Brunei: 152 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 41 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Âu: 22.865.696 ca mắc, 525.474 ca tử vong
2. Bắc Mỹ: 22.678.356 ca mắc, 499.950 ca tử vong
3. Châu Á: 20.433.456 ca mắc, 333.259 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 12.936.915 ca mắc, 357.674 ca tử vong
5. Châu Phi: 2.693.189 ca mắc, 63.449 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 48.069 ca mắc, 1.058 ca tử vong
Ý kiến ()