WFP đối mặt nguy cơ thâm hụt ngân sách nặng nề
Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ Ertharin Cousin hôm 2-2 cho biết cơ quan này có thể sẽ phải cắt giảm quy mô các dự án tại một số quốc gia trước nguy cơ thâm hụt ngân sách lên tới 1 tỷ USD.
Thông tin này được bà Cousin đưa ra khi đang có chuyến công du tới Australia để kêu gọi các quốc gia và nhà tài trợ cá nhân tăng cường ủng hộ cho WFP để giúp cung cấp lương thực cho hàng triệu người đang bị thiếu ăn trên khắp thế giới.
Bà nói: “Số tài chính cần thiết cho các hoạt động trong năm 2014 hiện cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với mức thu ngân sách dự kiến của chúng tôi”. Bà cho biết WFP sẽ phải cắt giảm nguồn tài chính dành cho các dự án tại một số quốc gia như Haiti, Niger, Mali và Kenya, nơi khoản tiền dành cho những người tị nạn ở trại Dadaab đã bị cắt 10% hồi tháng 12-2013 và 10% nữa vào tháng 1 năm nay “do chúng tôi không đủ tiền để cung cấp đủ thức ăn cho tất cả mọi người”.
Số tiền tiết kiệm sẽ được WFP tập trung cho các hoạt động phức tạp và nguy hiểm hơn ở Syria, nơi cơ quan này đang tập trung tìm cách cung cấp lương thực cho khoảng 4,25 triệu người đang thiếu lương thực ở quốc gia này với chi phí lên tới 40 triệu USD mỗi tuần.
Bà Cousin cho biết, một chiến dịch không vận cũng đã được thực hiện hồi tháng 12-2013 với 12 chuyến bay vận chuyển lương thực từ Iraq tới khu vực chiến sự Al-Hasakah ở Syria, nơi đã bị cô lập hoàn toàn trong suốt 12 tháng qua. Mặc dù chi phí dành cho chiến dịch lên tới 800.000 USD nhưng cũng chỉ cung cấp đủ lương thực cho khoảng 6.000 người.
Các chiến dịch không vận tốn kém cũng đang được cân nhắc triển khai tại Trung Phi, nơi bà Cousin nói rằng hiện đang có khoảng 50 chiếc xe chở hàng viện trở của WFP đang phải đỗ ở biên giới để chờ các lực lượng vũ trang hộ tống và khoảng 800.000 người dân đang bị mất nhà cửa cần được viện trợ lương thực. Bà nói: “Chúng tôi dự kiến sẽ dùng máy bay chở lương thực từ Cameroon tới thành phố Bangui”.
Mặc dù thừa nhận rằng việc vận chuyển lương thực bằng máy bay sẽ tốn kém hơn và chỉ cứu trợ được ít người hơn, nhưng bà nói rằng nếu WFP không sớm thực hiện việc này thì họ sẽ không còn đủ lương thực để cung cấp cho người dân Trung Phi nữa.
Bà Cousin đang kêu gọi thêm các quốc gia và nhà tài trợ cá nhân và nêu bật mô hình Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF như một hình mẫu. Hơn 60% nguồn tài chính của cơ quan này có được nhờ các kênh tài trợ, so với mức chỉ đạt 5% của WFP.
Bà cũng hy vọng các nhà tài trợ truyền thống của WFP như Anh và Mỹ, cũng như các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ả-rập Xê-út, sẽ tăng nguồn tài chính đóng góp cho cơ quan này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()