WEF 2023: Cùng nhau xây dựng thế giới bền vững và tự cường hơn
WEF 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với các cuộc khủng hoảng đa tầng, sự gia tăng phân cực xã hội làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ và chia cắt bối cảnh địa chính trị.
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 53 tại Davos (Thụy Sĩ) khép lại sau 5 ngày làm việc liên tục với hàng trăm phiên họp chính thức và phi chính thức, các cuộc đối thoại bên lề, đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến được đánh giá là thiết thực và hữu ích nhằm thúc đẩy hợp tác về các vấn đề liên quan đến năng lượng, khí hậu, công nghệ, việc làm, sức khỏe, đầu tư, thương mại, cơ sở hạ tầng và hợp tác địa chính trị trong một thế giới đa cực.
WEF 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với các cuộc khủng hoảng đa tầng, sự gia tăng phân cực xã hội làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ và chia cắt bối cảnh địa chính trị.
Trong thời điểm then chốt này, lãnh đạo các nước, các nhà tài chính và giám đốc điều hành đã nỗ lực tìm ra cách thức giải quyết sự phân mảnh và xói mòn lòng tin gia tăng ở cả cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia thông qua tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững.
Trong số các sáng kiến tại WEF năm nay, đáng chú ý là sự kiện ra mắt “Làng cộng tác toàn cầu” (nền tảng metaverse toàn cầu) với sự hợp tác của Accenture và Microsoft, nhằm bổ sung và mở rộng khả năng kết nối dù đang ở bất cứ đâu hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác công-tư bền vững hơn và thúc đẩy hành động để mang lại tác động trên quy mô lớn.
Khi công nghệ tiếp tục phát triển, mọi người cần phải cùng nhau định hình và phát triển ngôi làng toàn cầu này để đoàn kết xuyên biên giới, hỗ trợ trao đổi ý tưởng và cách mạng hóa tiến bộ, nhưng cũng sẽ không thay thế nhu cầu gặp mặt trực tiếp.
WEF 2023 cũng đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp hướng tới mục tiêu khí hậu với các sáng kiến mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm lượng khí thải. Hướng tới một nền kinh tế phát thải thấp cũng sẽ đòi hỏi phải tạo ra hàng triệu việc làm “xanh.”
Trong bối cảnh các chính phủ ngày càng hướng đến doanh nghiệp để nắm bắt những ý tưởng lớn nhằm đưa vào hành động một cách nhanh chóng và toàn diện, hội nghị năm nay thu hút sự tham gia đông nhất từ trước đến nay của khu vực tư nhân, với hơn 1.500 nhà lãnh đạo từ trên 700 tổ chức, bao gồm hơn 600 CEO hàng đầu thế giới.
Họ là thành viên và đối tác của WEF trong các lĩnh vực như dịch vụ, tài chính, năng lượng, vật liệu và cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông.
Dòng vốn, hàng hóa, dịch vụ và con người đã thúc đẩy năng suất và nâng cao mức sống, tăng gấp 3 lần quy mô của nền kinh tế toàn cầu trong 3 thập niên qua.
Tuy nhiên, những căng thẳng về thương mại và đầu tư đang làm xói mòn tăng trưởng và lòng tin.
Các động cơ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại với nhiều nền kinh tế đã hoặc được dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong tương lai gần, số hộ gia đình và doanh nghiệp đối mặt với khó khăn kinh tế đang gia tăng.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tốt nhất để vượt qua những cơn bão kinh tế phía trước.
Phát biểu bên lề hội nghị, Chủ tịch toàn cầu của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, ông Bob Moritz, cho rằng ngay cả những doanh nghiệp hoạt động tốt trong năm 2022 vẫn có thể sẽ phải chứng kiến một năm nhiều thách thức hơn ở phía trước.
Kết quả cuộc khảo sát do WEF thực hiện cũng cho thấy hơn 60% các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực công và tư đều dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Những lực cản đáng kể đối với hoạt động kinh doanh bao gồm chi phí vay tăng cao, chi phí đầu vào tăng cũng tương tự, tình trạng thiếu hụt nhân tài và sự gián đoạn chuỗi cung ứng gây tác động đáng kể.
Giá năng lượng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt là ở châu Âu, đe dọa khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất, đồng thời có nguy cơ chuyển hướng chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh ra khỏi khu vực.
Các hệ thống năng lượng đã trải qua một loạt cú sốc, buộc nhiều chính phủ phải can thiệp để bảo vệ người dân và các công ty giảm bớt tác động do giá cả tăng vọt, trong khi cạnh tranh để củng cố an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra phải kể tới lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng. Lạm phát nằm trong số 5 rủi ro toàn cầu hàng đầu và chủ yếu ở các nước đang phát triển nơi thu nhập thấp phổ biến.
Trong khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, ước tính có khoảng 2,3 tỷ người không được tiếp cận đầy đủ lương thực và tỷ lệ lạm phát toàn cầu vào cuối năm 2022 ước tăng lên 7,5%.
Điều này càng trở nên trầm trọng hơn bởi một cuộc khủng hoảng nguồn nước sắp xảy ra, với hạn hán và lũ lụt tiếp tục đe dọa sản xuất lương thực và sức khỏe con người.
Đây cũng chính là nội dung của phiên thảo luận Kết nối Lương thực-Năng lượng-Nguồn nước mà Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà là diễn giả chính.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề lương thực, năng lượng, nguồn nước đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và hệ thống; trong đó, cần thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp trong giải quyết mối quan hệ giữa lương thực, năng lượng và nguồn nước; gắn vấn đề hệ sinh thái-lương thực-năng lượng-nguồn nước với vấn đề biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Theo một báo cáo mới được công bố tại WEF 2023, những quốc gia giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực có thể thúc đẩy việc làm, sức khỏe cộng đồng và thiên nhiên môi trường, đồng thời đạt được các mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới có nhiều khủng hoảng và thách thức, Việt Nam được thế giới thừa nhận là một điểm sáng của khu vực và quốc tế, không chỉ với cam kết mạnh mẽ và triển khai nhất quán chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số nhằm hồi phục sau đại dịch và phát triển bền vững, mà còn đạt được những kết quả ấn tượng: tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 12 năm qua, quy mô nền kinh tế lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD và xếp thứ 30 trên thế giới; quy mô thương mại đứng thứ 23 trên thế giới và trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của 3 trung tâm kinh tế (Mỹ, Trung Quốc, EU). Tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam được dự báo đạt 6,3%, dẫn đầu các nước Đông Nam Á.
Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, kể từ khi thiết lập quan hệ hợp tác với WEF vào năm 1989, Việt Nam luôn coi đây là diễn đàn đối thoại quan trọng của lãnh đạo chính phủ với các tập đoàn hàng đầu thế giới; trân trọng và đánh giá cao việc WEF luôn quan tâm đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến hợp tác trên các lĩnh vực phát triển bền vững, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, và mong muốn trong thời gian tới Diễn đàn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận tri thức và nguồn lực tiên tiến nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững và tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.
Chủ tịch sáng lập WEF, Giáo sư Klaus Schwab, cũng khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam và hợp tác giữa Việt Nam và WEF luôn được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy và phát triển.
Hội nghị WEF lần thứ 53 diễn ra đúng vào thời điểm thế giới vẫn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng đa tầng với sự phân mảnh ngày càng tăng ở cấp độ toàn cầu, sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, đặt ra yêu cầu các bên phải thúc đẩy hợp tác và xây dựng lại lòng tin để cùng vượt qua thách thức.
Theo nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, Giáo sư Klaus Schwab, giải pháp tốt nhất là các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phải làm việc cùng nhau và đặt nền móng cho một thế giới bền vững, tự cường hơn vào cuối thập niên này./.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/wef-2023-cung-nhau-xay-dung-the-gioi-ben-vung-va-tu-cuong-hon/842408.vnp
Ý kiến ()