WB: Việt Nam có thể mất 3,5% GDP/năm vì ô nhiễm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Tại Hội thảo công bố Nghiên cứu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt về quản lý tài nguyên nước: “Cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.”
Chia sẻ cùng quan điểm, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho biết: “Nếu như không có những hành động quyết liệt thì tài nguyên nước, một yếu tố động lực đã và đang thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam, sẽ trở thành một cản trở của sự phát triển. Nếu hành động sớm thì sẽ đảm bảo được rằng tài nguyên nước vẫn sẽ tiếp tục là một yếu tố chủ chốt giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn.”
Các khuyến nghị trong nghiên cứu này của Ngân hàng Thế giới nhằm cải thiện việc quản trị, quản lý, và cơ chế tài chính cho tài nguyên nước, bao gồm việc tăng cường năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi các quy định về quản lý nước.
Báo cáo cũng ủng hộ việc áp dụng cách tiếp cận tổng hợp ở quy mô lưu vực sông, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích việc giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng nước hiệu quả hơn.
Hơn nữa, cần có cải thiện trong công tác ứng phó với thiên tai và bảo đảm khả năng chống chịu trước các hiện tượng lũ lụt gia tăng, xói lở bờ sông bờ biển với tốc độ nhanh hơn, tình trạng nước biển dâng và sụt lún đất.
Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng chi tiêu công và khuyến khích huy động nguồn vốn tư nhân là một việc cần thiết phải làm, để mở rộng nguồn tài chính cho cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước.
“Báo cáo này gửi một thông điệp rõ ràng rằng tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam sẽ không thể đạt được nếu không có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước,” bà Jennifer Sara, Giám đốc cấp cao Ban nước Toàn cầu, WB cho biết. “Nếu các quyết định tốt được đưa ra ngay bây giờ, các hệ thống nước có thể được tăng cường để chống lại các cú sốc như biến đổi khí hậu, và bảo đảm các thế hệ hiện tại và tương lai gặt hái những lợi ích của nước.”
Theo Nhandan
Ý kiến ()