WB: Việt Nam cần chú ý nhiều hơn tới chất lượng cải cách, chất lượng tăng trưởng 09:38, 02/01/2019
Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng ứng phó tốt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cao, thực hiện cải cách đúng hướng. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ tập trung vào các con số mà phải chú ý đến chất lượng cải cách, chất lượng tăng trưởng.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam. |
Ông đánh giá thế nào về những chuyển biến của Việt Nam trong thời gian qua, Việt Nam đã có những bước cải thiện gì?
Ông Ousmane Dione:Mặc dù điều kiện bên ngoài không thuận lợi như trước nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn đứng vững. Triển vọng của Việt Nam vẫn vững cho dù phải đối mặt với ngày càng nhiều trở ngại bên ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý là rủi ro đối với triển vọng trên đang dần tích tụ và nghiêng theo hướng xấu đi. Trong đó cần chú ý việc tăng cường khả năng chống chịu của kinh tế vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh để hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trong dài hạn.
Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ thích ứng và tỉ giá linh hoạt, củng cố tình hình tài khóa và tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải để củng cố khung chính sách vĩ mô và nâng cao khả năng chống chịu. Đẩy mạnh cải cách cơ cấu, bao gồm cả cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, kết hợp với cải thiện hiệu suất đầu tư công là cách để nâng cao năng suất và sản lượng tiềm năng.
Các chính sách nhằm đẩy mạnh tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các hiệp định vừa được thông qua như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Cách đây 6 tháng, trong Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, WB dự báo Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 6,3%. Sau đó, trong báo cáo mới công bố, chúng tôi đã nâng mức tăng trưởng lên 6,8% nhưng thực tế số liệu cuối tăng trưởng năm 2018 lên tới hơn 7%. Đó là mức tăng trưởng ngoạn mục.
Theo tôi, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lạm phát ở mức một con số trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi cũng như tình trạng căng thẳng thương mại.
Nền kinh tế Việt Nam có tính chịu đựng với các cú sốc bên ngoài tốt. Điều này tạo tiền đề khiến Việt Nam đứng vững trong bối cảnh khó khăn và ảnh hưởng tích cực tới tâm lý và lòng tin của các nhà đầu tư, khiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại tăng lên.
Dù vậy, Việt Nam lưu ý là cần giải pháp hiệu quả để đối ứng phó với các cú sốc bên ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục công cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách trong lĩnh vực ngân hàng như đã làm thời gian qua (cải cách và xử lý nợ xấu…) cũng như tiếp tục cải cách những lĩnh vực quan trọng khác.
Tôi xin lưu ý là các bạn không chỉ tập trung vào con số mà phải chú ý đến chất lượng cải cách, chất lượng tăng trưởng. Trong tương lai, Việt Nam cần để ý đến chất lượng hơn là số lượng. Ví dụ, chất lượng thể chế, hạ tầng, chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực trong thời đại kỹ thuật số… nhằm tạo sự phát triển với chất lượng cao hơn.
Các vấn đề mà Việt Nam cần cải thiện là gì và có thể làm tốt hơn không thưa ông?
Ông Ousmane Dione:Trong 2 năm qua Việt Nam gặp phải các vấn đề như giải ngân chậm, khiến các dự án hoàn thành không đúng dự kiến nên gây lãng phí, nhất là làm giảm hiệu quả như mục đích ban đầu của dự án.
Về câu hỏi Việt Nam có thể làm tốt hơn không, tôi xin nói là có thể. Những năm qua, tôi nghĩ quá trình phát triển của Việt Nam có thể không tiến nhanh nhưng 2 năm gần đây đã thấy xuất hiện nhiều chính sách có tính chiến lược hơn.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã nhìn ra vấn đề của thủ tục hành chính còn rườm rà chưa hợp lý, môi trường kinh doanh chậm cải thiện nên đã có các bước cải cách. Trong đó, các bạn đã khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử để tăng tính minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình, đơn giản hóa thủ tục. Bên cạnh đó là những nỗ lực rõ ràng trong phát triển khu vực tư nhân.
Nhưng theo tôi, cải cách không phải qua một đêm là xong, dù tham vọng lớn. Đó là một quá trình và phải thực hiện từng bước. Quan trọng là Chính phủ, Quốc hội đã nhận ra vấn đề và lắng nghe cầu thị để điều chỉnh. Việc đưa ra các cải cách chính sách và sửa đổi luật là quan trọng, nhưng thực hiện tốt những cải cách đó còn quan trọng hơn.
Theo ông, kỳ vọng và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 là gì?
Ông Ousmane Dione:Năm nay, Việt Nam thực hiện một số hiệp định thương mại đáng chú ý như Hiệp định CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU. Đây là thách thức về khả năng thực thi tận dụng cơ hội hiệp định mang lại. Vấn đề là làm như thế nào.
Việt Nam hoàn toàn có thể chú trọng lựa chọn chất lượng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, đặc biệt là liên quan nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo nghề, nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Việc tham gia CPTPP có thể khiến Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức nhưng đây cũng là cơ hội nên phải nỗ lực để không bị tụt hạng, việc áp dụng các thủ tục phải hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện nay có xu hướng nhiều nước đang tập trung vào tăng trưởng xanh hay thực hiện cuộc cách mạng công nghệ cao hiện đại, theo ông Việt Nam bắt nhịp thật sự chưa hay mới làm những điều bề nổi?
Ông Ousmane Dione:Việt Nam đã bắt đầu thực hiện tăng trưởng xanh nhưng chỉ số về môi trường khá thấp (đứng thứ 132/180 nước trên thế giới), do đó các bạn cần có những bước đi rõ nét hơn.
Cụ thể là cần đưa ra yêu cầu giảm khí thải giao thông, chuyển đổi năng lượng xanh và sạch. Trong lĩnh vực điện năng, cần khuyến khích năng lượng tái tạo, điện mặt trời, dần đưa tỉ trọng điện sử dụng than giảm dần. Cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn sản xuất năng lượng sạch, điện gió, điện sinh học giảm lượng khí phát thải.
Về nông nghiệp, cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, vừa mang lại giá trị cao khi xuất khẩu, tiêu dùng và bảo vệ sức khoẻ người dân.
Cần tăng tốc cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng liên quan thoát nước làm các khu vực đô thị dễ sống hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân.
Tóm lại, tôi cho rằng, Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để đạt tới tăng trưởng xanh, đặc biệt phải tập trung xử lý tốt các lĩnh vực tác động lên môi trường.
Về thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi tích cực, trước hết là đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử. Có điều có những việc chúng ta chưa thấy kết quả ngay nhưng đó là những bước đi lâu dài cho tương lai.
Việc triển khai CMCN 4.0 thì Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo hỗ trợ tạo môi trường cho khu vực tư nhân phát triển.
Tôi khẳng định, các đối tác phát triển quốc tế chỉ là người đồng hành, đóng vai trò nhỏ. Quan trọng nhất vẫn là người cầm lái, là các nhà lãnh đạo Việt Nam chèo lái con thuyền đi đúng hướng, vượt qua các thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới khó đoán định hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Chinhphu
Ý kiến ()